suốt lịch sử. Trong Chương 6, tôi xem xét những phương tiện truyền thông
và những kĩ thuật khác nhau đã được sử dụng để tạo ra nghệ thuật.
Cùng với việc giới thiệu những cung cách suy nghĩ về nghệ thuật và
lịch sử của nó, tôi hi vọng cuốn sách này sẽ khích lệ việc thưởng thức và
thấu hiểu tự thân các nghệ phẩm và tái củng cố tầm quan trọng của đối
tượng nghệ thuật như là bằng chứng hàng đầu của chúng ta, hoặc là điểm
khởi đầu, đối với lịch sử nghệ thuật. Nhằm mục đích ấy, chương cuối cùng
đưa chúng ta quay lại với bản thân tác phẩm, chú ý tới những đường lối
chúng ta có thể đọc tính vật thể của đối tượng trong những hạn từ về kĩ
thuật và phương tiện được sử dụng để sáng tạo ra nó, cũng như những
phương pháp khác chúng ta có thể dùng để đọc “cái nhìn”.
Cuốn sách này nhằm đến những lợi ích tổng quát cho người đọc, cho
người đi xem phòng tranh, và đặt nền tảng cho những khía cạnh của văn
hóa thị giác cho những ai học về lịch sử nghệ thuật, khảo cổ học, và văn
hóa học. Tôi cố gắng để không sử dụng nhiều từ chuyên môn, nhưng có
một số những từ kĩ thuật và thuật ngữ thiết yếu phải sử dụng để nhận biết.
Để tâm tới điều này và tính chất dẫn nhập của sách, tôi đã đưa vào một bản
từ vựng các từ ngữ về nghệ thuật và một danh sách những địa chỉ mạng về
các phòng tranh và các viện bảo tàng để cung cấp một điểm khởi đầu cho
sự tìm hiểu các tác phẩm nghệ thuật và những bộ sưu tập quan trọng.
Để đưa ra một thảo luận trong sáng, súc tích về những tranh biện đa
phức bên trong lịch sử nghệ thuật, tôi cũng muốn mang lại cho người đọc
những công cụ cơ bản thiết yếu cho việc khảo sát chủ đề qua một tầm nhìn
bao quát theo thời gian và đề án về một phạm vi rộng mở những đề xuất
được kết nối với bộ môn này. Nhưng, quan trọng nhất, cuốn sách là một nỗ
lực để chuyển tải việc chúng ta có thể học biết được những gì từ nghệ thuật
và để gợi ý một sự đa dạng các đường lối, trong đó chúng ta có thể thưởng
ngoạn, suy nghĩ, và thấu hiểu mối quan hệ của con người với nghệ thuật.