Mặc dù chủ yếu liên quan tới phụ nữ, lịch sử nghệ thuật nữ quyền đã
đưa sự chú ý tới những đề xuất về sự dị biệt, dù đó là dị biệt về tính dục, về
xã hội, hay về văn hóa. Và do kết quả đó, giờ đây chúng ta xem xét và viết
về những nghệ phẩm và những thể thức tái hiện của chúng từ các viễn kiến
khác về lịch sử và về mỹ học. Không có hồ nghi gì về việc chấp nhận bất
cứ thứ gì được nhìn thấy như là mang tính tự nhiên, dù là đối với những
tham vấn hàn lâm hoặc những hệ thống xã hội. Nhưng lịch sử nghệ thuật
nữ quyền khiến chúng ta nghĩ, lần đầu tiên, về quy điển của lịch sử nghệ
thuật và cung cấp phương tiện để suy nghĩ về các nghệ phẩm trong những
đường lối khác. Tôi nêu lại đề xuất này một lần nữa trong Chương 4.
Trong những năm gần đây, một số khảo sát đã mở rộng vấn đề về sự
kiểm soát chất liệu thị giác để bao gồm không chỉ mối quan hệ giữa nam
giới và nữ giới mà còn cả mối quan hệ của những người đồng tính với nghệ
thuật, đôi khi được gọi là ‘lí thuyết về đồng tính’ (‘queer theory’) và mối
quan hệ giữa các quốc gia thực dân và thuộc địa trong một thế giới hậu-
thuộc địa. Điều này mở ra hoặc chất vấn về những mối quan hệ quyền lực
khác nhau tồn tại giữa nghệ thuật và những người sử dụng nó cùng những
người sản sinh ra nó là một phần thiết yếu của bộ môn lịch sử nghệ thuật.
Vị trí của nghệ thuật ngoài phương Tây trong lịch sử
Những thập niên 1960 và 1970 chắc chắn là những thập niên mà cung
cách viết về nghệ thuật được đánh giá lại. Chúng ta đã thấy Linda Nochlin
và Clement Greenberg trình bày các điểm hoàn toàn khác biệt về chủ đề
này. Và rõ ràng là việc viết lịch sử nghệ thuật là một quy trình loại trừ
ngang bằng với quy trình kết nạp, và những chọn lựa này thường được đặt
thành công thức trên quy điển của nghệ thuật phương Tây. Tôi muốn lưu ý
đến ý niệm về sự loại trừ và về cách thế mà, song song với phụ nữ, những
nghệ sĩ và nghệ thuật thuộc những văn hóa và những đoàn thể khác đã bị
gạt bỏ khỏi lịch sử nghệ thuật. Làm sao tác phẩm của họ có thể được đặt
trong địa hạt tham vấn?