xem ngày nay, và quá khứ. Phương tiện để làm điều đó - tức là sợi chỉ
xuyên suốt bản tự sự, để tiếp tục so sánh với cuốn tiểu thuyết - kể một điều
gì đó về những mối bận tâm hiện thời của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta có
thể nói rằng cuộc trưng bày có chủ đề là chỉ báo về sự kiện là chúng ta
không còn bận tâm như thế nữa về việc ai đã vẽ ra bức tranh - tức là nghệ sĩ
- và cuộc trưng bày này đoạn tuyệt với truyền thống thưởng ngoạn tác
phẩm nghệ thuật như là liên kết mật thiết với người tạo tác. Tương tự như
vậy, chúng ta cũng có thể kết luận rằng trong trường hợp ấy, việc tập hợp
lại với nhau những chủ đề về nữ giới thẩm xét lại vai trò của phụ nữ trong
thế giới nghệ thuật. Những nhà nữ quyền đã nói rằng phụ nữ phải khỏa thân
mới vào được phòng tranh. Vậy nên loại trưng bày mới này có lẽ là một sự
thừa nhận về mối bận tâm tới hình tượng phụ nữ khỏa thân của những nghệ
sĩ và những nhà chủ quản nam giới, và về sự vắng mặt của các nữ nghệ sĩ
khỏi bản tự sự của lịch sử nghệ thuật chăng?
Điều tôi muốn làm là tập hợp, hoặc nếu các bạn ưa chuộng hơn, có thể
dùng từ giám tuyển (curate/ curator) vài cuộc ‘triển lãm nhỏ’ để chứng
minh những điểm đã được nêu ra ở đây.
Cuộc ‘triển lãm nhỏ’ đầu tiên hướng về chủ đề ‘phụ nữ’. Chủ đề này
chung cho nghệ thuật từ mọi thời kỳ và mọi nền văn hóa. Tôi chọn lựa
những thứ sau đây từ các minh họa trong cuốn sách: Trinh nữ và Chúa Hài
đồng với Thánh Anna và Thánh John Tẩy giả của Leonardo da Vinci (Hình
15); Cô gái với bình sữa của Vermeer (Hình 16); Ba cô gái trang hoàng
một hạn kỳ của thần Hôn nhân của Reynolds (Hình 13); và cuối cùng là
pho tượng nhỏ bằng gỗ chạm khắc một hình tượng người nữ thuộc sắc tộc
Baule ở thế kỉ 19 từ Bờ biển Ngà (Hình 11). Điểm nổi bật nhất về sự chọn
lựa này là những vai trò đa dạng mà phụ nữ có thể đại diện. Trong hình
tượng của Leonardo, chúng ta thấy vai trò làm mẹ của ‘người nữ’; mẹ của
Kitô là Maria Đồng trinh nhìn trìu mến vào con trai bà trong lúc đồng thời
được nhìn ngắm bởi chính mẹ của mình là bà thánh Anna (cũng là bà ngoại
của Kitô). Vermeer trình ra cho chúng ta ‘người nữ’ như một người đang
làm việc nhà - một khuôn mẫu về ‘tính nội trợ’ của nữ giới. Ngược lại, bức