diễn tác phẩm này. Từ đó trở đi, bà tiếp tục sử dụng tác phẩm này đi
lưu diễn ở nhiều nơi, và cũng có thu đĩa. Từ năm 1959, bà giảng dạy
tại Nhạc viện Matxcơva, và đã đào tạo rất nhiều thế hệ.
Trong các buổi biểu diễn, Nikolayava luôn thể hiện bằng tất cả
niềm đam mê, với những tình cảm dạt dào, do vậy, bà luôn để lại
một ấn tượng sâu sắc trong lòng khán thính giả. Bà đã thể hiện
xuất sắc khoảng 50 bản concerto của Bach. Vào năm 1993, trong
chuyến lưu diễn ở Mỹ, bà bị đột quị và qua đời tại San Francisco. Bà
có nhiều kinh nghiệm trong vai trò là giám khảo của các cuộc thi
quốc tế, và bà luôn cố gắng tìm kiếm những tài năng mới.
Mặc dù đã qua được kỳ thi thử nhưng Sơn còn phải trải qua một
cuộc sát hạch nữa. Những người được tham gia cuộc sát hạch này sẽ
viết một bản tóm tắt về thông tin cá nhân gởi đến ban tổ chức
cuộc thi. Có những thí sinh đã viết rất nhiều về thành tích của
mình như: đã từng tham dự các cuộc thi trước đó, hay đã từng đoạt
giải trong một kỳ thi nào đó… Sơn thì chỉ viết vỏn vẹn một dòng
“Tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, hiện đang du học ở Nhạc viện
Matxcơva”. Người của ban tổ chức vô cùng bối rối, không biết có
nên chấp nhận cái tay pianist người Việt Nam kia chăng. Một thời
gian, Sơn không nhận được bất cứ sự hồi âm nào.
“Không có một chút thành tích huy hoàng nào cả, liệu mình có
được chấp nhận không? Cho đến bây giờ, chẳng ai nói gì với mình
cả! Có lẽ mình không có cơ hội!”
Cuối cùng, ban tổ chức đã thống nhất với nhau rằng: “Nếu là
sinh viên của Nhạc viện Matxcơva, hẳn người đó cũng cừ lắm!”, và
họ quyết định chấp nhận để Sơn tham gia cuộc thi piano Chopin.