Năm 1980 cũng là năm tổ chức Thế vận hội Olympic Matxcơva.
Những du học sinh nước ngoài đang ở tại ký túc xá của nhạc viện được
chuyển đến ở vùng cắm trại gần Biển Đen, để dành chỗ cho những
vận động viên nước ngoài đến tham dự Olympic.
Một tháng trời, Sơn sống mà không có cây đàn piano bên cạnh.
“Không xong rồi, đây là thời kỳ quan trọng nhất mà mình phải
tập luyện, vậy mà không được đụng đến cây đàn một chút nào.
Chẳng lẽ giấc mơ tham dự cuộc thi piano Chopin đến đây là kết
thúc sao?”
Đặng Thái Sơn giảm sút nhanh về mặt tinh thần, anh muốn
được luyện ngón ngay lập tức. Anh ngồi xuống ghế, nhịp nhàng
các ngón tay trên đầu gối. Vừa nhìn tập nhạc vừa tưởng tượng ra
các phím đàn, những giai điệu đang ngân lên trong đầu anh. Khi
ngồi vào bàn ăn cũng vậy, anh không ngừng chuyển động các ngón
tay, anh làm như vậy để ngón tay không bị cứng.
Cuối cùng, khi trở về Matxcơva, anh đã có thể chạm tay vào cây
đàn, Sơn nhận thấy những gì mình làm trước đây là đúng, ngón tay
anh có thể nhanh chóng lướt trên những phím đàn như trước.
Tháng 10, Sơn đến Vácxava. Có rất nhiều thí sinh đi thi cùng
với gia đình, bạn bè, nhưng anh thì chỉ một mình. Ngoài việc đi thăm
nhà hát nổi tiếng, nơi mình sẽ thi đấu, anh không đi đâu nữa, chỉ đi
lại giữa khách sạn và nơi mình tập luyện. Sơn hoàn toàn cách ly với
mọi người.
Ở
vòng một, Sơn đã trình diễn các bản nhạc sau: Nocturne cung
Rê trưởng, Op.(*) 27, số 2; Scherzo cung Si giáng thứ, Op. 31, số 2;
Etude cung La thứ, Op. 25, số 4.