123
TẬP 6: DANH NHÂN CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Công Ích, rồi vào học trường Bưởi. Kết thúc bốn năm học, anh đã đậu
đầu khi thi lấy bằng Thành chung.
Từ năm 1924, Nguyễn Phong Sắc thôi cuộc đời học sinh và xin vào
làm ở Sở tài chính Đông Dương. Một đồng sự với anh là nhà thơ Tú Mỡ
có viết bài thơ Bốn cái mong của thầy phán:
Làm nghề thầy phán với thầy thông,
Sống ở trên đời có bốn mong.
Mong tháng chóng qua, tiền chóng lĩnh,
Mong giờ qua hết, việc mau xong.
Mề-đay mong được dăm mười chiếc,
Lương bổng mong tăng sáu bảy đồng.
Hãy tạm thời nay mong thế thế,
Còn bao mong nữa xếp bên lòng.
Đó là tâm lý phổ biến của lớp thanh niên có học thức, ra làm việc
với Pháp: “Mặt mũi khôi ngô, hình dong chững chạc, quần là ống sớ, áo
vận khuy vàng, khăn lượt vành dây, ô che cán bạc; Bảnh bao lắm mốt, trời
nắng trời mưa, giày nọ giày kia...Tiếng Lang sa thoắng trơn nước chảy, những
“uẩy” cùng “nông”; Câu Hán tự dốt đặc cán mai, đọc “tộ” hóa “tác”...
như trong bài Phú thầy phán mà Tú Mỡ cho biết. Tuy nhiên, trong số
ấy, có người không lấy đó làm sự đắc ý rằng đã thành đạt trên đời!
Nguyễn Phong Sắc là người như thế. Trong những ngày đầu đến Sở,
gia đình anh đã thuê hẳn một người phu xe để hằng ngày phục vụ anh.
Nhưng chỉ được dăm ba ngày, anh quyết không chễm chệ ngồi trên xe
cho phu kéo nữa. Hỏi tại sao thì anh đáp:
- Thời buổi này, chúng ta chỉ là những kẻ nô lệ. Tôi nô lệ, anh cũng
nô lệ. Anh kéo xe cho tôi ngồi, điều đó có nghĩa là kẻ nô lệ kéo xe cho
người nô lệ. Tôi thấy ngậm ngùi cho thân phận của anh lẫn của tôi- thân
phận của con dân mất nước...
Rồi, càng làm việc tại Sở, Nguyễn Phong Sắc càng thấy ngày tháng trôi
qua quá đơn điệu, cuộc đời mòn mỏi trong những công việc vô vị - hoàn
toàn không phù hợp ý nguyện với mình. Anh đã kết bạn với Hồ Trọng