trung ương xuống địa phương; ban hành một số chính sách kèm theo những
biện pháp có hiệu quả để khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống
xã hội. Lê Lợi cũng chú ý tới việc phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo
nhân tài. Năm 1428, lên ngôi vua, năm sau (niên hiệu Thuận Thiên thứ 2,
1429), Lê Lợi đã cho mở khoa thi Minh Kinh. Năm 1431, thi khoa Hoành
từ. Năm 1433, Lê Lợi đích thân ra thi văn sách. Đấy là chưa kể năm 1426
trong khi đang vây đánh Đông Quan, Lê Lợi đã mở một khoa thi đặc cách
lấy đỗ 32 người, trong đó có Đào Công Soạn, một nhà ngoại giao xuất sắc
thời Lê Lợi. Nhưng, nhiệm vụ chính trị lớn nhất phải quan tâm giải quyết
hàng đầu sau khi đất nước được giải phóng là việc tăng cường củng cố, giữ
vững nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Về phương diện này, Lê Lợi đã
làm được hai việc có ý nghĩa lịch sử. Thứ nhất, ông đã thành công trong
cuộc đấu tranh ngoại giao, thiết lập quan hệ bình thường giữa triều Lê và
triều Minh. Thứ hai, Lê Lợi đã kiên quyết đập tan những âm mưu và hành
động bạo loạn muốn cát cứ của một số ngụy quân trước, điển hình là vụ
Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ, Lai Châu. Trong bài thơ làm khắc vào vách đá
núi Pú Huổi Chò (bên sông Đà, thuộc Lai Châu) năm 1431 khi đánh Đèo
Cát Hãn, Lê Lợi đã nói rõ ý chí bảo vệ sự thống nhất giang sơn:
Đất hiểm trở từ nay không còn,
Núi sông đã vào chung một bản đồ.
Đề thơ khắc vào núi đá
Trấn giữ miền Tây của nước Việt ta.
Sau bài thơ trên, Lê Lợi còn viết bài thơ thứ hai khắc vào vách núi Hào
Tráng bên Chợ Bờ, Hòa Bình.
Lê Lợi trong 5 năm làm vua, bên cạnh những công lao to lớn, có phạm một
số sai lầm mà sử sách đương thời cũng thẳng thắn phê phán. Đại Việt sử ký
toàn thư viết: "Vua hăng hái dấy nghĩa binh đánh dẹp giặc Minh, 20 năm
mà thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, định luật lệ, chế lễ nhạc, mở khoa
thi, đặt cấm vệ, lập quan chức, lập phủ huyện, thu góp sách vở, mở trường
học, có thể gọi là có mưu lớn, sáng nghiệp. Song, đa nghi, hay giết, đó là