Lê Lợi không chỉ là người nhen nhóm, tạo lập ra tổ chức khởi nghĩa Lam
Sơn mà ông còn là nhà chỉ đạo chiến lược kiệt xuất. Một nét đặc sắc, mới
mẻ trong đường lối chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Minh mà Lê Lợi thực
hiện là dựa vào nhân dân để tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc. Nhìn
vào lực lượng nghĩa binh và bộ chỉ huy, tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa, có
thể thấy rõ tính chất nhân dân rộng rãi của nó, một đặc điểm nổi bật không
có ở các cuộc khởi nghĩa khác chống Minh trước đó. Dựa vào sức mạnh
của nhân dân, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội trong một tổ chức
chiến đấu, rồi từ cuộc khởi nghĩa ở một địa phương, lấy núi rừng làm căn
cứ địa, phát triển sâu rộng thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên
quy mô toàn quốc. Đây là một cống hiến sáng tạo to lớn về đường lối chiến
tranh của Lê Lợi và bộ tham mưu của ông, để lại một kinh nghiệm lịch sử
quý giá.
Vừa là nhà tổ chức và chỉ đạo chiến lược về chính trị, quân sự, vừa là vị
tướng cầm quân mưu trí, quả quyết, Lê Lợi đã vận dụng lối đánh "vây
thành diệt viện" theo lý thuyết quân sự ông nghiền ngẫm: Đánh thành là hạ
sách. Ta đánh thành kiên cố hàng năm, hàng tháng không lấy được, quân ta
sức mỏi, khí nhụt, nếu viện binh giặc lại đến thì ta đằng trước, đằng sau đều
bị giặc đánh, đó là đường nguy. Chi bằng nuôi sức khỏe, chứa khí hăng để
đợi quân cứu viện tới. Khi viện binh bị phá thì thành tất phải hàng". Chiến
thuật "Vây thành diệt viện" của Lê Lợi kết hợp với chủ trương "mưu phạt
nhị tâm công", uy hiếp, phân hóa, chiêu dụ địch của Nguyễn Trãi tạo nên
một phương thức độc đáo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Cuộc vây hãm Vương Thông ở Đông Quan và tiêu diệt viện binh giặc tại
Chi Lăng, Xương Giang cuối năm 1427 là kết quả thắng lợi của tư tưởng
quân sự của Lê Lợi - Nguyễn Trãi. Sau khi đuổi hết giặc Minh về nước, Lê
Lợi lên ngôi hoàng đế năm 1428, sáng lập ra vương triều Lê. Lê Lợi làm
vua được 5 năm thì mất (1433), an táng tại Vĩnh Lăng, Lam Sơn, miếu hiệu
là Thái Tổ.
Trong sự nghiệp xây dựng đất nước buổi đầu của vương triều Lê, Lê Lợi đã
có những cố gắng không nhỏ về nội trị, ngoại giao, nhằm phục hồi, củng
cố, phát triển đất nước trên mọi mặt, như tổ chức lại bộ máy chính quyền từ