Giữ dân không cốt ở hùng binh.
Sở trường văn học của Lý Tử Tấn là làm phú. Bên cạnh Phú Xương Giang,
ông còn có hơn 20 bài phú khác, trong đó Chí Linh sơn phú, Triều tinh phú,
Quân chu phú, Hội anh diện phú... là những bài có giá trị cao về nội dung
và nghệ thuật, phản ánh tình cảm nồng thắm đối với đất nước, lòng lo nước,
thương đời của Lý Tử Tấn. Di sản phú của Lý Tử Tấn để lại được chép
trong Hoàng Việt văn tuyển và Quần hiền phú tập.
Lý Tử Tấn sáng tác khá nhiều thơ nhưng thất lạc cũng nhiều, hiện chỉ còn
hơn 70 bài nằm rải rác ở các sách Việt âm thi tập, Tinh tuyển chư gia luật
thi, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển.
Lý Tử Tấn làm thơ trên quan điểm thi pháp của mình. Ông từng nói: "Tôi
cho rằng phép làm thơ khó lắm thay! Thơ luật chỉ có 56 chữ, thơ tuyệt cú
lại chỉ có 28 chữ, mà đủ mọi thể cách. Muốn thơ cổ kính, thanh đạm thì lại
gần với thô; muốn đẹp đẽ, phong phú thì lại gần sự lòe loẹt; hào phóng thì
dễ buông thả, thật thà thì dễ quê mùa. Cho nên lời ý giản dị đầy đủ, mạch
lạc thông suốt, chất phác mà vẫn nhã, mới lạ mà không trúc trắc, trung hậu
nhưng không thô kệch, cao siêu mà vẫn ôn hòa, đó là những điều rất khó có
thể đạt được" (Tựa sách Việt âm thi tập). Nhận xét về thơ Lý Tử Tấn, Phan
Huy Chú viết: "Thơ ông chuộng giản dị, phần nhiều có ý thơ cổ". Đọc thơ
Lý Tử Tấn, chúng ta bắt gặp một tâm hồn thanh thản, ung dung, cao khiết,
gặp một thiên nhiên trong mát với những hương vị của hoa trái, cua đồng,
của trời, nước, nắng gió hiền hòa; tất cả, chỉ có thể tìm thấy trong thế giới
tinh thần tĩnh tại á Đông xưa:
Nắng hòe êm dịu xế tường vôi,
Mềm mại chồi sen quạt gió trời.
Sắc lẫn màu thu trời rợn bóng,
ánh lồng vẻ núi nước trong ngời.
Cua vàng gạch óng vào đăng sớm,
Phật thủ da xanh nở múi rồi,
Bình sẵn rượu ngon vui cứ uống,
Đợi gì giậu cúc nhị vàng phơi.