Hồ Quý Ly cũng là người đề xướng việc phát hành tiền giấy đầu tiên ở Việt
Nam.
Trước sự lăm le xâm lược của nhà Minh, Hồ Quý Ly tích cực chấn chỉnh
quân đội, xây thành, đóng thuyền chiến, v.v...
Nhìn chung, những cải cách của Hồ Quý Ly là tích cực, với mong muốn
xây dựng một nước Việt Nam cường thịnh, tư tưởng đổi mới của ông cũng
rất đáng trân trọng song những cải cách của ông chưa mang lại những kết
quả đáng kể.
Triều Hồ thành lập chưa được mấy năm thì quân Minh tràn sang xâm lược.
Hồ Quý Ly tổ chức cuộc kháng chiến, song "quân nhà Hồ trăm vạn nhưng
không một lòng", Hồ Quý Ly không thể cố thủ bằng cách dựa vào thành
quách, cho nên sau 6 tháng kháng cự, ông và con cháu bị giặc Minh bắt đưa
về Trung Quốc.
Tuy thất bại, nhưng ông là người có tinh thần tự chủ cao. Đáp lời người
Trung Quốc hỏi về phong hóa nước Nam, ông tự hào viết nên một bài thơ:
"Dục vấn An Nam sự
An Nam phong tục thuần
Y quan Đường chế độ
Lễ nhạc Hán quân thần
Ngọc ủng khai tâm tửu
Kim đao chước tế lân
Niên niên nhị tam nguyệt
Đào lý nhất ban xuân"
Tạm dịch:
"An Nam muốn hỏi rõ
Xin đáp: phong tục thuần
Lễ nhạc nghiêm như Hán
Y quan chẳng kém Đường
Dao vàng cá nhỏ vẩy
Bình ngọc rượu lừng hương
Mỗi độ mùa xuân tới
Mận đào nở chật vườn".