nhiều tác giả
Danh Nhân Đất Việt
Người anh hùng
thi nhân trong thơ Trần Quang Khải
T rần Quang Khải, tự Chiêu Minh, sinh vào mùa đông năm Tân Sửu
(1241), là con trai thứ ba Trần Cảnh (Trần Thái Tông). Dưới triều Trần
Thánh Tông, ông giữ chức Tướng quốc thái úy, tước Đại vương; được
thăng chức Thượng tướng Thái sư dưới triều vua Nhân Tông. Cùng với
Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải cũng là một nhân vật trọng yếu của
vương triều, đã đóng góp nhiều công sức vào sự nghiệp dựng nước và giữ
nước, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông
(1284 - 1288), ông đã tham gia trận phản công lớn, đánh tan quân giặc ở
Hàm Tử và Chương Dương, giải phóng Thăng Long.
Trần Quang Khải là người học rộng, biết nhiều, văn võ song toàn, ngoài ra
ông còn là một nhà ngoại giao, nhà thơ có tài.
Trong số các thi sĩ - chính khách thời Trần, Trần Quang Khải có lẽ là người
để lại cho người đọc một ấn tượng tươi tắn mà sâu đậm. Trước hết, tuy chỉ
còn lại vẻn vẹn có 10 bài thơ thôi (Trong 10 bài thơ này thì có một bài Đề
đền Bạch Mã, chỉ được chép trong Việt điện u linh tập, một bài Hạ Hồ
Thành trúng Trạng nguyên, e không đúng, và một bài Đề dã thự trùng với
bài Tĩnh Bang cảnh vật của Trần Tung trong Thượng Sĩ ngữ lục. Điều kiện
tư liệu hiện nay chưa cho phép khẳng định dứt khoát vấn đề tác giả đích
thực của các bài đó), song, thơ ông bài nào cũng mang cốt cách khoáng đạt
của một thi nhân cỡ lớn. Trần Quang Khải có làm thơ xã giao thù tạc cũng
là cái thù tạc không cần phải gắng gượng hay khách sáo, mà trái lại dung
dị, tự nhiên, hiếm người có được:
Nhất đàm tiếu khoảnh ta phân quệ,
Cộng xướng thù gian, tích đối sàng.
(Tống Bắc sứ Sài Trang Khanh) (Tức Sài Thung)
(Vừa nói cười đó mà thoắt đã ngậm ngùi dứt áo,
Tiếc những lúc hai giường đối diện, xướng họa cùng nhau).