Và Trần Quang Khải có ngắm nhìn đồng quê trong tư cách một vị chủ nhân
trang trại thì vẫn là cái nhìn đột xuất, tình tứ khác thường:
Dã thự tân khai, cảnh vật tân,
Phương phi đào lý, tứ thời xuân.
Nhất thanh ngư địch, thanh lâu nguyệt,
Kỷ phiến nông thoa, bích lũng vân.
(Đề dã thự)
(Trang trại mới mở, cảnh vật thật mới mẻ,
Đào mận tốt tươi, xuân suốt cả bốn mùa.
Một tiếng sáo trẻ chăn trâu, xanh thêm mặt trăng trên lầu,
Vài tấm áo tơi nông phu, biếc hẳn đám mây dưới lũng).
Sau nữa, ấn tượng tươi tắn của chúng ta đối với Trần Quang Khải - thi nhân
còn ở chỗ, ta biết tác giả những vần thơ khoáng đạt này là một vị Thái sư
Thượng tướng, cùng với Trần Quốc Tuấn là hai nhân vật đứng đầu hàng
văn và hàng võ, đã từng góp nhiều công lao hiển hách vào công cuộc dựng
nước và giữ nước đời Trần. Là con trai thứ ba vua Trần Thái Tông, em ruột
Trần Thánh Tông, sinh năm 1241 và mất năm 1294, với tước Chiêu Minh
vương, Trần Quang Khải đã thực sự đóng một vai trò chủ chốt trong triều
chính nhà Trần suốt nhiều năm tháng, kể từ khoảng mươi năm sau cuộc
kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất (1258). Ròng rã gần hai thập niên
tạm gọi là hòa bình mà kỳ thực là chuẩn bị lực lượng rất khẩn trương ấy,
với cương vị một ông quan đầu triều, Trần Quang Khải đã ra sức chèo
chống về nội trị, ngoại giao, đưa vương triều Trần vượt qua nhiều thử
thách, nhất là những cuộc đấu trí mệt nhọc, căng thẳng với đám sứ giả
Nguyên Mông. Những bài thơ ông làm trong các dịp này cũng giống như
những bài thơ tiếp sứ của Trần Nhân Tông và nhiều người khác, có cái
mềm mỏng, nhún nhường về lời lẽ, nó là một sách lược nhất quán trong
quan hệ nhiều đời giữa nước ta với các đế chế phương Bắc vốn luôn luôn tự
thị vào cái "lớn", cái "khỏe" của mình:
Khẩu hàm uy phúc quân bao biếm,
Thân bội an nguy quốc trọng khinh.