Trong những nước tôi đã đi qua, Nigeria tạo cho tôi nhiều ấn tượng đặc biệt.
Đây là quốc gia đông dân nhất của châu Phi, với tài nguyên “tiền rừng bạc
biển” nhờ dầu khí và khoáng sản. Thiên nhiên ưu đãi mảnh đất trù phú nông
nghiệp, thuận lợi cho kỹ nghệ du lịch, và địa chính trị cạnh biển tạo một nền
thương mại khá phồn thịnh cách đây vài trăm năm.
Trong lịch sử, Nigeria bị đô hộ bởi thực dân Anh hơn 15 thập niên, dành độc
lập ít lâu thì lâm vào cuộc nội chiến tàn khốc, giữa nhóm dân Hausa và
Yoruba, có liên quan đến chủ nghĩa, truyền thống bộ lạc và yếu tố Thiên
Chúa giáo-Hồi giáo. Vài lãnh tụ cũng tập tễnh theo chủ nghĩa Mác Lê,
nhưng chỉ sau vài năm, họ vái dài CNXH và quay lại với tư bản hoang dã.
Dân Nigeria thông minh, khôn vặt, năng động và quỷ quái nhất châu Phi. Họ
phiêu lưu khắp thế giới “xuất khẩu lao động” và đóng góp số tiền kiều hối
khoảng 22 tỷ đô la mỗi năm. Với GDP chừng 500 tỷ, chia ra cho 175 triệu
dân, thu nhập hàng năm của mỗi người dân khoảng 2,800 đô la. Chính phủ
Nigeria nổi tiếng về tham nhũng, lãng phí, có quá nhiều “đầy tớ nhân dân”
cùng luật rừng, một nhóm đại gia siêu giàu và kinh tế gần như tuỳ thuộc
hoàn toàn vào FDI và kiều hối. Dân Nigeria cũng say mê bóng đá, sex và
scams (lừa bịp).
Khác với Việt Nam, Nigeria có một nền dân chủ đa nguyên (ít nhất là trên
giấy tờ); và thống kê của chính phủ có vẻ chân thật: tỷ lệ thất nghiệp là
24%…và không lãnh đạo nào tuyên bố dân họ…hạnh phúc nhất nhì thế giới.
Về văn hoá, nhà văn Wole Soyinka của Nigeria đã từng đoạt giải Nobel về
văn học: ông Chinua Achebe tạo tiếng vang thế giới với tác phẩm Things
Fall Apart (Mọi Thứ Gẫy Đổ).
Một anh bạn người Nigeria cùng học với tôi ở Penn State 51 năm về trước
vẫn giữ liên lạc. Anh về nước khoảng 1970, năng động trên trường chính trị
Nigerian, leo đến chức Bộ Trưởng vài năm dưới một chánh quyền quân sự
nào đó thời 90’s. Trong một cuộc đảo chánh, vợ con bị giết, anh chạy thoát
qua Mỹ tỵ nạn và giữ một chân giảng viên đại học ở Mid-west cho đến nay.