Các yếu tố môi trường, xã hội, văn hoá, gia đình và bạn bè là những yếu tố
ảnh hưởng lớn nhất đến con cái. Mỗi đứa con có tính khí và sự phát triển nội
tại khác nhau.
Chẳng hạn như hai đứa con của tôi, cùng lớn lên ở một môi trường, nhưng
tính khí lại rất khác biệt. Thành ra, khó mà nói được những cái mà cha mẹ
thiết kế và tạo dựng ảnh hưởng như thế nào đối với con, chỉ có thể đoán ra
thôi nhưng không chắc chắn được.
Tôi đã từng làm ở nhiều doanh nghiệp, đó là cả một sự đau đầu, nhưng so
sánh với nuôi con thì nuôi con khó gấp nhiều lần điều hành doanh nghiệp.
Với một doanh nghiệp thì mình có thể đứng tách rời ra để nhìn và quyết
định một cách khách quan và nếu làm sai thì làm lại, nhưng dạy con thì
không thể làm lại được, không thể khách quan, vì thế, quyết định của mình
khó sáng suốt.
Quản lý một đứa con khó gấp chục lần quản lý doanh nghiệp. Có quá nhiều
yếu tố ảnh hưởng đến việc nuôi con.
Quá trình nuôi con thì không phải lúc nào cũng suôn sẻ, êm đềm như mình
nghĩ mà có lúc đầy bão tố, dù tình trạng “vĩ mô” rất ổn định.
Ông từng trải qua giai đoạn đó như thể nào và vượt qua “bảo tố” về con cái
ra sao?
TS Alan Phan: Có một thời điểm, đứa con thứ hai của tôi lúc 14 tuổi, trở
nên nổi loạn, kết thân với những người bạn mà mình không muốn cho vào
nhà. Nó nhuộm tóc vàng, tóc xanh đỏ, đang học giỏi từ hạng A xuống còn
chỉ còn hạng D.
Hai vợ chồng ngồi khóc thầm, nghĩ là tiêu thằng con rồi. Khuyên vài ba câu
thì nó đứng dậy xách đít đi. Đó là cả một sự đau khổ, kéo dài hơn 2 năm.