Đuôi ngoắc lia lịa, rối rít là ba về. Ngoắc vừa phải là mẹ về, ngoắc một
cách uể oải, lấy lệ thì đích thị Bích Trâm về. Cái đuôi con Mina cũng là
một tín hiệu.
Nhưng tín hiệu ồn ào nhất vẫn là những tín hiệu "siêu hỗn độn" do bốn
năm chiếc xế nổ gây ra mỗi buổi trưa.
Có thể một phần con Mina không vẫy đuôi mừng chị Bích Trâm kính
mến của tôi cũng vì những âm thanh siêu hỗn độn kia.
Tiếng gầm rú của đoàn hộ tống ấy làm con Mina hoảng sợ. Ban đầu nó
phát tín hiệu "gâu gâu" để phản đối, sau đó thấy không ăn thua nó bèn
chuyển tín hiệu gầm gừ và cuối cùng là những "siêu âm" nghĩa là ngồi im
re, giương mắt nhìn những chàng "kỵ sĩ đầu đinh" đang hộ tống chị Bích
Trâm xinh đẹp của tôi từ trường Minh Khai về nhà.
Quãng đường ấy thẳng đuộc và dài không đầy hai cây số nhưng các
chàng kỵ sĩ đầu đinh cũng cảm thấy không an tâm khi để cho "nàng công
chúa kiêu ngạo" Bích Trâm lái xe cub 650 (tức xe đạp hiệu Cửu Long) về
nhà một mình.
Khổ thay, nàng công chúa kiêu ngạo lại không ở trong lâu đài của hoàng
cung mà ở trong hẻm, vì thế mà bốn chàng kỵ sĩ đầu đinh không dám mạo
hiểm phi bốn con ngựa sắt một lúc vào đó, đành đứng ở ngoài đầu hẻm
gầm rú một cách ai oán, đợi cho bóng dáng người đẹp chìm khuất trong
"lầu son gác gỗ" của mình mới gạt nước mắt mà quay về.
Tín hiệu "siêu hỗn độn" ấy cứ lập đi lập lại hoài đến nỗi anh Hai tôi (vốn
là nhà bác học đãng trí) cũng phải để ý.
Buổi trưa anh thường sửa các loại máy điện tử trên cái gác gỗ ọp ẹp. Mỗi
lần nghe tiếng máy rẹt rẹt là anh lại kêu lên:
- Sóng bị nhiễm tùm lum. Công chúa về.
Quả vậy, tiếng máy của đoàn xe hộ tống chị Bích Trâm đã làm nhiễu
sóng các máy móc điện tử anh đang sửa. Anh ném cái mỏ hàn xuống bàn,
đốt thuốc lá. Đó là lúc Bích Trâm dắt xe đạp vào nhà.
- Bích Trâm à, anh Hai gọi.