45
Nói chung người Việt đã đến xứ này trong hoàn cảnh
phức tạp. Họ đón nhận và giúp đỡ những người Trung
Hoa sa cơ thất thế tìm chỗ dung thân. Họ tôn trọng những
người “khuất mặt” đã tới trước, sẵn sàng tiếp thu kinh
nghiệm làm ăn của người Khơme đồng cảnh ngộ. Vùng
đất rộng hình chữ V với hai cạnh biển, gần đường xích
đạo, nơi gặp gỡ của các luồng văn minh Đông Nam Á.
Mặc cho khó khăn, trở ngại, họ bám đất, tin vào
sức mình, qua câu ca dao: “Ruộng đồng mặc sức chim
bay, biển hồ lai láng cá bầy đua bơi”, hoặc “Ra đi gặp
vịt cũng lùa. Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu”.
Ít nhất trong thời kỳ đầu, họ thoát khỏi vòng kiềm
tỏa của bọn quan lại to nhỏ, không phải bon chen từ lời
ăn tiếng nói, lễ nghĩa phong kiến vụn vặt, đến việc kiện
tụng dai dẳng, giành ăn trong người thân với nhau để
tranh phần gia tài, giành đất hương hỏa, trên thửa ruộng
vốn nhỏ bé càng trở nên nhỏ bé vì dân số ngày thêm
đông. Họ đã từ giã những cường hào ở quê xứ, những
kẻ đã lấy đất công, nói là đất của mình, gạ bán cho dân
rồi sau đó trở lại tố cáo người mua, lấy đất lại
.(1)
Nhưng họ đang gặp gì ở vùng đất mới?
1 Xem Phủ Biên Tạp Lục.