SƠNNAM
NGƯỜI
SÀI GÒN
Những “tâm sự của một đời người khó quên”! Bà con
Việt kiều nuối tiếc môi trường Sài Gòn cũ “phố buồn
mưa bay”, “uống nước dừa hay nước mắt quê hương”.
Sống với cảm tính nhưng đó là tình người, không tính
toán hơn thiệt. Ca mổ của hai cháu Việt-Đức mới đây
đã gây xúc động lạ thường, ai nhìn trên truyền hình mà
không im lặng, chảy nước mắt. Có người lẳng lặng đi
thắp nhang ở ngoài sân, trên bàn thờ ông Thiên hoặc
lần chuỗi bồ-đề. Tính hào hiệp biểu lộ ngay ủng hộ tối
đa những người thầy thuốc đã nghe theo tiếng nói của
khoa học, của lương tâm. Bác sĩ Araki đến Sài Gòn,
sứ giả của núi Phú Sĩ, của xứ hoa anh đào, nơi gánh
chịu hậu quả của chiến tranh hạt nhân. Sức mạnh của
vườn Thiền, vài khối đá trên sân cát. Khối đá là con
mãnh thú đang nằm im, cát là dòng đời. Một nhà thơ
đã đặt lời cho bản Vọng cổ dân gian, nhắc đến bác sĩ.
Một nữ ký giả ghi lại chi tiết lớn: bác sĩ đã mang theo
chiếc áo trắng, cái cà-vạt đen, để khi hai cháu không
còn sống, bác sĩ sẽ về lại mảnh đất quê hương của mình,
như kẻ vừa đi dự một đám tang. Nam Mô Diệu Pháp
Liên Hoa Kinh.
Dòng đời cuồn cuộn, gặp tảng đá to, nước xoáy tròn,
trở ngược, nhưng không tù đọng. Làm sao mô tả dòng
sông đang chảy ra biển rộng? Làm sao ghi lại vài nét
góp ý về phong cách người Sài Gòn - con người bình
thường - mà có thể làm hài lòng người Sài Gòn, nhất
là giới trẻ. Vài góp ý, không quá chủ quan, thiên vị.