nhà Tô Trung Từ đón thái tử. Lúc ấy Tô Trung Từ nghe báo, vội ra xem, xe
của Đỗ Quảng đã vào tới cổng. Ngay hôm sau thái tử theo Đỗ Quảng về
Thăng Long, lưu Trần Thị Dung ở lại nhà họ Trần với mẹ và anh là Trần
Thừa đang chịu tang cha.
Vua Cao Tông từ khi đi chạy nạn Quách Bốc, ở nơi lam sơn chướng
khí nên mắc bệnh kiết lị, thường đi ngoài ra nhiều máu tươi. Quan thái y
bốc thuốc, bệnh đã gần khỏi nhưng nhà vua quá ham mê tình ái vì vậy bệnh
phát nặng, năm ấy mới ba mươi tám tuổi mà thân hình suy kiệt như người
ngoại lục tuần. Mùa đông, tháng mười vua mệt lắm, truyền gọi Đỗ Kính Tu
vào cung. Vua cầm tay Đỗ Kính Tu, nói:
- Ta xem trong mình không còn bao hơi sức, chắc không sống được
mấy ngày nữa. Những lời khanh nói trước đây, ngẫm kĩ thật chẳng sai câu
nào. Tiếc rằng ta đã không coi làm trọng; rường mối bại hoại cả. Nay ta sắp
về cõi Phật. Thái tử hãy còn trẻ tuổi, chưa trải việc đời, mong ngươi hết
lòng giúp rập, may ra khôi phục được triều chính thì ta ở nơi chín suối cũng
ngậm cười.
Đỗ Kính Tu khóc lạy, nhận lời kí thác. Ngày hai mươi tám tháng
mười, vua băng tại cung Thánh Thọ, ở ngôi ba mươi nhăm năm, hưởng thọ
ba mươi tám tuổi, táng ở Thọ lăng.
Thái tử Lý Sảm lên ngôi, mới mười sáu tuổi, tôn mẹ là Đàm Thị làm
Hoàng thái hậu, cùng dự việc triều chính, sai sứ sang cáo phó với nhà
Tống. Nhà Tống cử sứ giả sang viếng tang.
Mùa xuân, tháng giêng năm Tân Mùi (1211), đổi niên hiệu là Kiến Gia
năm thứ nhất. Sang tháng hai vua sai quan phụng ngự là Phạm Bố đi đón
Trần Thị Dung vào cung, phong làm nguyên phi, phong cho Thuận Lưu bá
Trần Tự Khánh tước Chương Thành hầu, phong điện tiền chỉ huy sứ Tô
Trung Từ làm thái uý phụ chính. Lúc bấy giờ dân tình đói khổ đã lâu, giặc
cướp hoành hành, không ngăn cấm được. Vua lại dùng Đàm Dĩ Mông làm