- Ta e ít thời gian quá, sợ khó xoay chuyển được tình thế.
Hiếu Ngân cười, nói:
- Tướng quân không nhớ chuyện Hưng Đạo vương với công chúa
Thiên Thành khi xưa hay sao. Chỉ trong có một đêm mà Hưng Đạo vương
giành lại được người mình yêu. Tướng quân và công chúa Thiên Thụy đã
nặng tình như thế còn lo gì nữa. Vả lại đi chuyến này kiểm tra các cửa biển,
quan sở tại những nơi ấy thường buôn bán với người nước ngoài rất giàu
có, nhiều san hô ngọc trai, hổ phách và bao nhiêu của quý khác, thấy người
của triều đình đến sao không mang ra biếu.
Khánh Dư như tỉnh ra, bảo:
- Ừ nhỉ!
Nói rồi vào triều lĩnh binh đi thừa hành công vụ, mang Hiếu Ngân
theo làm mưu sĩ.
Trần Khánh Dư vốn có tài quân sự nên chưa đầy ba tháng đã tuần du
khắp các vùng cửa biển, cho củng cố lại những nơi bố phòng còn lỏng lẻo,
lại dặn tướng sĩ phải canh giữ nghiêm mật không để kẻ gian ngoại bang vào
do thám. Quan lại các nơi ấy muốn lấy lòng Khánh Dư, mang vàng bạc
châu ngọc đến biếu rất nhiều đúng như lời dự đoán của Hiếu Ngân nhưng
Khánh Dư lòng tham không đáy bắt phải tìm nhiều san hô, mã não, ngọc
trai để mang về kinh thành. Dân chúng phải kiếm tìm cực khổ oán giận
lắm, về sau nhiều người làm sớ dâng lên triều đình kể tội Khánh Dư tham
lam. Tháng tám đến châu Vĩnh Yên (Thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh ngày
nay. Tên châu Vĩnh Yên có từ thời Lý - Theo Phương Đình dư địa chí), bấy
giờ thương khách các nước Qua Oa, Lộc Lạc, Tiêm La và xứ Bắc đến buôn
bán ở Vân Đồn đông lắm. Quan tri châu Vĩnh Yên đánh thuế rất nặng các
mặt hàng ngoại nhập. Những thứ như xe, rượu ngoại, thuốc Bắc, tơ lụa và
nhiều thứ khác tiền thuế nhiều hơn tiền mua. Một chiếc xe đơn mã nhập