- Trình vương công! Con không nhìn thấy gì, chỉ nghe vương công nói
chuyện một mình.
Nhật Duật liền cho gọi Phó Tường, Dương Lâm, Đặng Hoành đến dặn
việc.
Cuối giờ Mão, Nạp Tốc Lạt Đinh cùng A Tất Hoạt mang năm sáu tuỳ
tùng cưỡi ngựa đến phía Nam đồi Lê Hoa, dọn tiệc dưới gốc cây gỗ lê cực
lớn chờ Nhật Duật. Một tên tuỳ tùng báo:
- Trình chủ tướng! Dưới chân đồi có bảy tám dân man đang đục một
tấm đá lớn không biết họ làm gì.
Nạp Tốc Lạt Đinh nói:
- Ta đi sứ sang An Nam đã nhiều lần nên biết, dân man ở đây thường
lấy đá đục làm cối giã thóc, giã ngô. Các ngươi cứ kệ cho họ làm, đừng
kinh động kẻo Nhật Duật lại sinh nghi.
Khi sương sớm đã tan hết, bấy giờ Nạp Tốc Lạt Đinh mới thấy Trần
Nhật Duật mặc áo trắng, cưỡi ngựa bạch long thấp thoáng sau mấy đám cây
rừng, chỉ có một mình Phó Tường ăn mặc như một đạo đồng râu quăn theo
hầu. Hai bên gặp nhau thi lễ xong, Nạp Tốc Lạt Đinh mời Trần Nhật Duật
ngồi vào bàn tiệc. Trong khi uống rượu, Nạp Tốc Lạt Đinh gảy một bản đàn
cho Nhật Duật nghe. Nhật Duật khen hay rồi cũng thổi một khúc tiêu.
Tiếng tiêu réo rắt trầm bổng hoà cùng tiếng gió thoảng của núi rừng làm
xao xuyến lòng người. Nạp Tốc Lạt Đinh nói:
- Chiêu Văn thổi tiêu hay lắm, Tiêu Lang ngày trước hẳn cũng đến thế
này là cùng. Giá như không có việc chiến chinh để chúng ta ngày nào cũng
được bầu bạn thì đời trần cũng đâu kém chi cảnh thần tiên.
(Tiêu Lang: Tức Tiêu Sử đời Tần Mục Công, thường sánh đôi thổi tiêu
cùng công chúa Lộng Ngọc. Truyền thuyết nói rằng về sau hai người hoá