- Nhà vua dẫu không còn nước nhưng trăm họ còn nước, việc gì mà lo.
Lịch sử ghi rằng: Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu lập công chúa
Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử để truyền ngôi cho. Vua xuất gia ở chùa
Chân Giáo trong đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên
Chương Hữu Đạo năm thứ nhất, tôn hiệu là Chiêu Hoàng.
Lý Chiêu Hoàng sinh tháng chín năm Mậu Dần (1218), đến tháng
mười năm Giáp Thân (1224) lên ngôi, nếu tính tuổi đã bảy tuổi nhưng tính
năm mới được sáu năm một tháng. Mọi việc trong ngoài đều do Trần Thủ
Độ cắt đặt, phong Phùng Tá Chu làm thái phó. Nữ hoàng từ khi lên ngôi
phải chịu nhiều lễ nghi phiền toái, có buổi thiết triều các quan bàn việc lâu
quá, làm người tè cả ra long bào, lúc ngơi việc học hành cứ tha thẩn buồn
bã một mình như người mất hồn. Một hôm Trần Thủ Độ vào thăm, nữ
hoàng bảo:
- Cậu Độ ơi! Cháu chẳng muốn làm vua nữa đâu.
Thủ Độ nói:
- Bệ hạ sao lại nói vậy? Giang sơn này là của bệ hạ. Bệ hạ không làm
vua thì ai giữ gìn xã tắc.
Nữ hoàng cười, nói:
- Xã tắc, xã tắc là cái gì? Cậu cứ giữ hộ cháu có được không?
Thủ Độ nói:
- Xã tắc của bệ hạ! Thần không giữ được.
Nữ hoàng hỏi:
- Xã tắc có nặng không mà cậu không giữ được?