Có lẽ, ví dụ gần đây nhất về vàng đại diện cho việc lưu trữ tài sản quy
mô lớn là việc vàng được dùng để giúp đỡ những người tị nạn. Số vàng mà
họ mang theo nhằm giúp họ bắt đầu cuộc sống mới ở nước ngoài. Dường
như chiến lược này có hiệu quả đúng đắn khi vàng có thể dễ dàng đổi sang
tiền mặt được.
Một liên tưởng khác, trước khi Hồng Kông được trao trả cho Trung
Quốc vào tháng 6/1997, một số bài bình luận trên báo chí tài chính quốc tế
cho rằng người dân địa phương sẽ khôn khéo chuyển đổi số tài sản sẵn có
của mình sang vàng trong trường hợp họ phải tha hương. Sống ở Hồng
Kông vào thời điểm đó, đối với tôi, đó là một lập luận có ít ý nghĩa. Tôi có
tài khoản trong một ngân hàng quốc tế lớn; tôi biết, nếu tình hình có chiều
hướng xấu đi, ngoài việc mua vàng và tìm kiếm một con thuyền nhỏ, tôi sẽ
đơn giản yêu cầu ngân hàng mở một tài khoản ở London, New York,
Tokyo, hoặc đại loại như vậy, và chuyển tiền trong tài khoản của tôi tới đó.
Một vài năm sau, tôi có thể vẫn làm gần như vậy thông qua tài khoản ngân
hàng trực tuyến.
Hồng Kông rõ ràng là khu vực thuộc thế giới thứ nhất. Khái niệm về
vàng là vật tích trữ giá trị có ý nghĩa hơn ở nhiều nơi có hệ thống ngân hàng
không được phát triển như vậy, như là đối với những người tị nạn Darfur
(nếu họ có tiền) hoặc có lẽ là những người Ấn Độ ở nông thôn, nơi vẫn tồn
tại sự không tin tưởng vào hệ thống ngân hàng.
Quả thực, nhiều tháng sau thảm họa sóng thần ở châu Á xảy ra vào
tháng 12/2004, bang Tamil Nadu của Ấn Độ, một trong những khu vực đô
thị hóa nhiều nhất, đã chứng kiến làn sóng mua trữ vàng khi những người
sống sót dùng số tiền cứu trợ của mình để mua vàng làm tài sản tiết kiệm
cho tới khi nó có thể được sử dụng phục vụ cho công việc tái thiết.