dưỡng về tinh thần mà trẻ cần để phát huy hết khả năng và vươn đến vùng đất hứa của thời
kỳ trưởng thành mà vẫn vẹn nguyên lòng say mê và sức sống trong mình.
Con chối bỏ bố mẹ ư? Bố mẹ cũng sẽ chối bỏ con!
Trong chương trước, tôi đã mô tả về tzar giddul banim – sự đau khổ cần thiết của việc nuôi
dạy trẻ. Chuyện đó tưởng như rất khó khăn. Nhưng hầu hết các bậc cha mẹ đều ngạc nhiên
trước cảm giác đau khổ của chính bản thân mình khi con – trước đây là đứa trẻ mới biết đi
đáng yêu và thích được vuốt ve – bắt đầu quá trình rời bỏ mình.
Để quá trình rời bỏ và hình thành nhân dạng riêng của mình dễ dàng hơn, bọn trẻ cần
khiến bố mẹ trở nên ít hấp dẫn hơn để cuối cùng, chúng sẽ dễ rời bỏ bố mẹ hơn.
Ngay khi bọn trẻ có ý thức và nhân cách tốt, chúng bỗng trở nên thô lỗ, thiếu tôn trọng
và vô ơn. Giống như những khách hàng khó chịu mà các bác sỹ tâm lý gọi là “những người
than phiền từ chối sự giúp đỡ”, bọn trẻ sẽ phớt lờ lời khuyên của bố mẹ. Thông qua lời nói
hoặc sự im lặng, chúng xúc phạm lựa chọn, quan điểm và bản chất của cha mẹ. Chúng tấn
công một cách khéo léo những gì bạn gìn giữ hay cảm thấy bất an nhất: Làm sao mẹ có thể
chịu được việc sống trong một ngôi nhà được bài trí như thế này? Mẹ gọi đây là bữa tối ư?
Mẹ gọi những người này là bạn bè sao? Thế này mà mẹ gọi là ngày vui à? Chúng chê bai
những đồ ăn đáng thương trong tủ lạnh, độ dài chiếc quần jeans của bạn hay để ý cách phát
âm khác thường của bạn với những từ phổ biến: Chẳng ai lại nói “GI-ường” hay “GI-ầy” cả.
Mọi người đều nói “dường” và “dầy”. Khi nào thì mẹ mới nhận ra được điều đó? Chúng
trốn tránh bạn, trốn tránh cái kén gia đình ấm áp mà bạn đã tốn rất nhiều tiền và năng
lượng để tạo dựng cũng như để bảo vệ chúng. Chúng gia tăng những lời buộc tội, cố tình
không thích đồ ăn thức uống, quần áo, lời nói, sách vở và âm nhạc giống như bạn. Chúng
thấy sự hài hước trong những thứ bạn không hề thấy chúng hài hước chút nào. Chúng
giống như những người thuê nhà lỗ mãng với bè đảng của riêng chúng, nói thứ ngôn ngữ
mình chúng hiểu và rời bỏ bạn. Cha mẹ không chịu đựng được khi con lúc nào cũng ủ rũ,
không thèm quan tâm đến những lời khuyên thông thái của cha mẹ và trung thành với
đám bạn lập dị và không đúng mực, họ coi đó là sự cự tuyệt. Đó là sự cự tuyệt. Và nó khiến
họ đau đớn.
Đối mặt với sự sợ hãi bằng niềm tin
Các nhà tâm lý học trẻ em thường liên hệ việc nuôi dạy trẻ vị thành niên giống như việc đi
thăng bằng trên dây vậy. Rabbi Nachman of Bratslav
sử dụng phép ẩn dụ tương tự như
vậy trong câu nói nổi tiếng của mình: “Cả thế giới là một cây cầu vô cùng chật hẹp. Điều cốt
yếu là bạn không được sợ hãi”. Nuôi dạy trẻ vị thành niên là một trải nghiệm kinh hoàng
và cách duy nhất để chống lại nỗi sợ hãi của bạn là có bitachon – niềm tin: niềm tin vào
con bạn và cách nuôi dạy con của chính bạn.
Trong cả Do Thái giáo lẫn tâm lý học vị thành niên, tôi đều tìm thấy những lời khuyên
đúng đắn đã giúp tôi cũng như các bậc cha mẹ khác giữ vững niềm tin khi bọn trẻ băng qua