12, 13, 18, 20 cho 20 điểm, bài H giáo sư số 1 cho hai điểm, giáo sư số 23
cho 12 điểm.
Trong số 14 bài, chỉ có 3 bài được toàn thể giáo sư cho là trên mực
trung, tức các bài C, E, I ; và 4 bài các giáo sư đều cho là dưới mực trung,
tức các bài G, J, L, M ; còn bảy bài khác thì các ông không đồng ý nhau :
ông cho là trên mực trung, ông cho là dưới mực đó.
Ông số 1 cho điểm hẹp nhất : điểm trung bình là 8,1 ; ông số 23 cho
rộng nhất : điểm trung bình là 11,36. Ông số 5 cho những điểm sai biệt
nhiều, từ 3 đến 19. Ông số 2 trái lại, dè dặt, không cho những điểm thấp quá
mà cũng không cho những điểm cao quá, điểm thấp nhất của ông là 5,5 ;
điểm cao nhất là 16,5.
Kết quả cuộc thí nghiệm đó cho ta thấy học sinh bị bao nhiêu nỗi bất
công, và cứ xét học bạ của nhà trường mà rầy chúng thì thực oan cho chúng.
Một em năm ngoái học khá, năm nay học dở, chưa chắc đã là làm biếng đâu
; có thể do em chưa quen với ông giáo, không biết chiều ý ông. Vì vậy sự
đổi thầy giữa năm học là một tai hại cho trẻ, và sự để cho các giáo sư nơi
khác lại chấm thi cũng là điều nên tránh.
Tôi còn nhớ một lần chấm thi, cho một bài toán 6 điểm trên 10 ; một
ông bạn giám khảo cũng chấm bài đó, cho 1 điểm trên 10. Bài đó là một bài
về động-tử. Thí sinh làm trúng hết, chỉ sai một toán chia : 75 km đi trong 2
giờ 15 phút, em đó đem chia ngay 75 cho 2,15 để tìm tốc độ giờ. Tôi thấy
em đã hiểu bài toán, tìm được cách làm cho nên nghĩ rằng em vì hồi hộp mà
quên không đổ tạp số 2 giờ 15 phút ra số thập phân 2,25 hoặc ra phân số 9/4
giờ rồi hãy chia. Tôi biết lỗi đó nặng, nên đáng lẽ cho em 8 điểm trên 10 thì
rút đi 2 điểm, còn 6 điểm, ông bạn tôi lại nhất định cho rằng câu đáp sai thì
cho 1 điểm còn là rộng, chứ đáng lẽ phải là không điểm.
Bây giờ tôi vẫn chưa dám quyết rằng tôi có lý ; nhưng chỉ một chuyện
đó đủ cho ta thấy sự đậu rớt thời nào cũng có phần may rủi, và kẻ làm cha
mẹ, thầy dạy phải kinh nghiệm nhiều mới khoan hồng với trẻ được.