- Về nguyên nhân sư phạm, thì nhà giáo nào cũng phải nhìn nhận là
đúng, nếu không, làm sao ta có thể hiểu được tại sao nhiều trò học với ông
giáo nầy thì rất dở toán hay lý hóa, mà học với ông khác thì lại tấn tới trông
thấy.
- Còn về nguyên-nhân thiếu tình âu yếm thì George Mauco đã kể một
thí dụ rất rõ ràng. Trò Jean mười ba tuổi, dở tệ về môn toán, không thể nào
chú ý được khi học toán. Em tự thú : « Tôi thấy sự chú ý của tôi chảy đi như
nước lọt qua kẽ tay vậy » và em lấy làm sợ lắm một khi bị cha mẹ, thầy giáo
rầy. Mà có phải em ngu độn đâu. Em rất thông minh về các môn khác đều
giỏi cả. Đã mấy năm rồi, ông nội em, trước làm giáo-sư toán, dạy thêm toán
cho. Ba em, cũng làm giáo-sư toán, cũng dạy thêm, mà vẫn không có kết
quả, thường đem anh hai của em ra so-sánh : « Anh mầy rất có khiếu về
toán, mới đáng là con tao, còn mầy sao mà chẳng giống ông cha chút nào
cả ? ». Nó tủi nhục, rồi vừa sợ vừa tức, thành thử tinh thần không sáng-suốt,
bình tĩnh, không chú ý được nữa.
Trong trường hợp đó, càng rầy càng mỉa chỉ càng làm cho nó ngu thêm
! Ông Georges Mauco khuyên cha mẹ em đổi cách cư xử và chẳng bao lâu
sau, nó tấn tới lần lần về toán, được vào hạng trung-bình.
2. Đừng quá chú ý đến những điểm ông thầy cho mà vội trách trẻ làm
biếng
Sau cùng tôi muốn nhắc bạn một điều : ta đừng nên quá chú ý đến
những điểm ông thầy cho trẻ mà mỗi khi thấy điểm sụt, vội trách trẻ làm
biếng, là thụt lùi, vì những điểm đó chỉ có một giá trị rất tương đối, đôi khi
lại chẳng có một giá trị nào nữa.
Cũng trong cuốn Săn sóc sự học con em tôi đã nói :
- Một trò thông-minh, học mười phút đã thuộc bài, được 15 điểm ; một
trò khác ký-tính kém, cũng bài đó, phải học hai giờ mới thuộc, mà cũng chỉ
được 15 điểm. Như vậy có bất công không ?