CHƯƠNG IX : TRẺ LÀM BIẾNG
1. Rất ít khi trẻ làm biếng, mà nhiều khi cha mẹ làm biếng xét trẻ
Trong chương IX cuốn Săn-sóc cách sự học con em tôi đã rút tài liệu
của Bác-sĩ Gilbert Robin để chỉ cách trị tật làm biếng của trẻ. Theo ông thì
trong hơn hai chục hạng học-sinh mà chúng ta trách là làm biếng, sự thực
chỉ có hai hạng – tức hạng bướng-bỉnh, muốn chống lại cha mẹ mà không
chịu học, và hạng có nọa-lực – là có lỗi ; còn những trẻ khác chỉ đáng
thương, chứ không đáng nghiêm trị ; chúng không học được vì không đủ
thông-minh, hay vì thể chất yếu, sinh-lý không phát triển điều-hòa, vì
phương-pháp dạy-dỗ không thích hợp, vì noi gương xấu của gia-đình.
Quan-niệm của Robin rất xác đáng. Và hết thảy các nhà tân giáo-dục
đều nghĩ như ông. Chẳng hạn ông Georges Mauco, Giám-đốc về sư-phạm ở
Trung-Tâm Claude Bernard cũng bảo : « Thực ra, hiếm có trẻ làm biếng.
Thường thường sự làm biếng chỉ là một triệu chứng tỏ rằng trẻ có một cái gì
khó chịu. Sự khó chịu đó có thể do trẻ thiếu sức khỏe về thể chất hay tinh
thần, hoặc thiếu sự yên ổn âu yếm trong gia-đình, trường học. Cũng có thể
do những lỗi lầm về sư-phạm, chương-trình và phương-pháp không hợp với
tâm-lý, sinh-lý của trẻ. Bệnh biếng học cũng như bệnh biếng ăn. Không phải
cứ trẻ muốn siêng học hoặc nhà giáo-dục muốn cho trẻ siêng học mà được.
Bệnh ấy có thể do trẻ không thích học một phần cũng do thúc ăn tinh thần
người ta muốn nhồi cho nó một phần. Vậy các nhà giáo-dục phải luôn luôn
kiếm tại sao trẻ bỏ hoặc từ chối một hoạt động mà đáng lý ra phải là sự phát
biểu tự nhiên của sinh lực ».
Ông lại nhấn mạnh về điểm dưới đây :
- Trong các trung tâm nghiên-cứu tâm-lý để áp dụng vào khoa sư phạm,
luôn luôn người ta nhận thấy rằng phần đông các học sinh mà thầy giáo cho
là làm biếng, đều có một sức thông minh trên mực trung. Vậy chúng học
kém không phải tại ngu dốt mà tại cách dạy dỗ không thích hợp hay tại
chúng thiếu tình yêu, bị cha mẹ, thầy dạy chê quá, xử bất công quá.