Cuối chuyện đó, tác giả trách em đã lầm lộn một sự rủi ro, một sự hiểu
lầm với đời sống. Ý ông cho rằng cha mẹ em chỉ muốn dạy em đừng làm
đỏm, cho nên để em mua cây kim gài khác trả bà cô, chứ không có lòng nào
bắt em phải chịu khổ. Vâng, đúng như vậy, nhưng bài học đó cũng quá
nghiêm-khắc, mà lòng của cha mẹ em thực cũng là sắt đá.
Cũng trong bài đó, ông M. Sylvestre còn kể vài chuyện tự tử khác nữa.
Một em trai 13 tuổi, tự tử bằng súng lục sau khi để lại bức thư nầy cho cha :
« Thưa ba, xin ba đừng buồn vì cái chết của con. Con tự tử vì con muốn
chết. Ba đừng tìm hiểu tại sao. Đây là di chúc của con : con không muốn cho
một vật nào của con về tay em Marius hết : con ghét nó vô cùng, ghét tận
đáy lòng. Ba đừng khóc con. Con chết đi là sướng ».
Một em gái mười ba tuổi ở Grenoble, vui-vẻ đi chợ với mẹ, rồi bị mẹ
rầy một cách nhục-nhã trước mặt một người hàng xóm, tủi thân, nhảy xuống
sông Isère tự tử.
Toàn là do những nguyên nhân mà người lớn chúng ta cho là « con nít
» hết, nhưng sự thực là thế đấy, và nhiều tâm-lý gia Pháp đã lo ngại khi thấy
số trẻ em tự-tử mỗi năm một tăng : năm 1949, sáu mươi tám em dưới hai
chục tuổi ; năm 1950, một trăm em ; năm 1951, một trăm ba mươi bốn em.
Ấy là không kể nhiều vụ trẻ em tự trầm mà người ta khai là chết rủi-ro, để
khỏi làm buồn lòng cha mẹ. Lại nên nhớ thêm rằng, cứ một vụ tự-tử mà
chết, phải tính ba hoặc bốn vụ tự-tử hụt.
Ở nước ta, tôi không được rõ người ta có làm thống kê về những vụ đó
không, nhưng cứ chỗ tôi biết thì trong mười gia-đình có lẽ chỉ được một gia-
đình mà con cái không hề tủi thân, oán cha mẹ.
Mà cái đập kiên-cố nhất để ngăn làn sóng tự-tử của trẻ là tình thương
của ta. Chúng ta thường bảo : « Cái tuổi thơ đó, vô tư vô lự ». Lời đó rất sai.
Tuổi thiếu niên chính là cái tuổi thấy đau khổ thấm-thía nhất, dễ thất vọng,
chán đời nhất ; và sự bất công, sự quá nghiêm-khắc của cha mẹ là nguyên-
nhân chán đời thường thấy nhất. Mà bất công và quá nghiêm-khắc đều là
không yêu trẻ hoặc không biết cách yêu trẻ.