Bạn thấy lời khuyên đó có trái hẳn với những lời của các bác-sĩ trong
các sách dạy nuôi trẻ từ trước tới nay không ? Bà Wolf muốn trở về cách
nuôi trẻ theo lối cổ. Có lẽ bà nói cũng hơi quá ; nhưng tôi nghĩ từ khi thuyết
vi-trùng của Pasteur ra đời, lợi tất nhiên là vô cùng rồi, mà hại cũng không
phải là nhỏ. Người ta sợ vi-trùng quá, hơi một chút là đề phòng – tôi biết
một bà đốc-phủ nọ mỗi ngày rửa tay bằng xà-bông cả chục lần, hễ mó vào
một vật gì xong là phải rửa liền, đến nỗi ông chồng phải gắt : « Bà rửa hoài
như vậy, không sợ thối tay sao ? » – thành thử sức chống cự của cơ-thể suy
đi, ta dễ đau ốm. Chịu thiệt thòi nhất là bọn trẻ con trong các nhà phong lưu
: chúng không được biết cái thú nghịch đất cát nữa.
2. Ở dơ. Đừng bắt trẻ ở sạch quá sớm
Ở dơ còn một hình-thức nữa là tiểu đại ngay trong quần hay trong
giường. Về điểm nầy chúng ta cần phải xét kỹ ; và từ đây trở xuống tới cuối
chương tôi xin dùng tiếng ở-dơ để chỉ riêng hình-thức đó, nhất là tật đái
dầm.
Ai cũng nghĩ rằng trẻ sớm ở sạch bao nhiêu thì càng ngoan bấy nhiêu,
càng thông-minh bấy nhiêu, cho nên người ta rất nghiêm-khắc với trẻ về
điều đó, bắt chúng tập ở sạch ngay từ khi chúng mới được một hai tháng.
Tôi nói người ta đó là muốn chỉ hạng trung lưu trở lên, chớ không nói hạng
nông dân, chưa chịu ảnh hưởng âu mỹ nhiều và chưa biết sợ nước tiểu của
trẻ như chúng mình. Ban ngày cứ chốc chốc người ta lại bồng trẻ ra, xi
chúng ; và ban đêm, chúng đương ngủ say, cũng đánh thức chúng dậy, bắt
chúng phải đi tiểu cho kỳ được. Thấy chúng ở dơ thì người ta nhăn mặc rầy
chúng, dọa chúng, có khi đánh đập chúng nữa.
Người ta không hiểu rằng tập cho chúng quá sớm, đã chẳng có lợi mà
còn tội-nghiệp cho chúng. Phải để cho chúng phát-triển lần-lần theo luật tạo-
hóa.
Hồi mới được một tháng, chúng chưa biết gì cả, chỉ oe oe lên khi chúng
tiểu trong giấc ngủ. Dần-dần chúng tiểu mỗi lần một nhiều hơn, và cách