Điều quan trọng nhất chúng tôi rút ra từ nghiên cứu này là bố mẹ
lẫn người nuôi dạy trẻ có tầm quan trọng rất lớn đối với trẻ. Để
giúp trẻ có thể điều chỉnh cảm xúc của mình, người lớn không chỉ
phải cùng trẻ làm điều đó mà còn phải làm gương cho trẻ.
Góc rèn luyện
Đương đầu với nỗi thất vọng
Sẽ có nhiều lúc trẻ thất vọng với những gì nhận được, chẳng hạn
như một tiệm ăn không ưng ý, thức ăn không đủ nhiều, không
được chọn đá bóng trong đúng đội mình thích… Vào những lúc
đó, bạn có thể tận dụng cơ hội làm gương cho trẻ học cách xoay xở
khi thất vọng. Hãy nói với trẻ về khoảnh khắc đó. Hãy nói cho trẻ
biết bạn cảm thấy như thế nào và cùng trẻ giải quyết vấn đề. Hãy
hỏi trẻ: “Theo con, bây giờ mình nên làm gì? Mình có nên mua
một phần ăn khác không? Hay mình cứ hài lòng với phần ăn ít ỏi
này, nhờ vậy mình sẽ có thể ăn thêm món tráng miệng?”. Những
khoảnh khắc thất vọng đó chính là cuộc sống, hãy học cách cải
thiện tình huống thành điều gì đó tích cực hơn và lấy đó làm kinh
nghiệm sống quý giá.
MỖI NGƯỜI ĐỀU CÓ SUY NGHĨ RIÊNG
Thế giới được xây nên từ những dụng ý của chính ta và của mọi
người xung quanh. Bạn giẫm lên chân tôi! Đó là tai nạn hay hành
động cố ý? Hay bạn làm thế để trả thù vì tôi đã làm điều gì đó
không phải với bạn? Ngay từ rất nhỏ, trẻ đã tìm hiểu về dụng ý
của mọi người xung quanh và đó chính là bước đầu trẻ hiểu ra
rằng những người khác cũng có suy nghĩ riêng.
Có nên chia sẻ hay không?
Trong quá trình lớn lên, trẻ bắt đầu tìm hiểu cảm nhận, suy nghĩ
của người khác. Một khảo sát do nhóm Zero to Three của Đại học
Harvard thực hiện cho thấy 51% phụ huynh nghĩ rằng trẻ 15
tháng tuổi nên biết chia sẻ đồ chơi với nhau. Thế nhưng thực tế
vẫn là sự thật: ngay cả trẻ đã 2 tuổi cũng chưa sẵn sàng làm điều
này. Tại sao lại như thế?
Đầu tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các yếu tố liên quan đến
việc chia sẻ. Việc đó không hề dễ dàng với một đứa trẻ chỉ vừa mới
181