chương cho hai đại tá tư lệnh Sài Gòn - Chợ Lớn và chỉ huy phòng vệ dinh
Độc Lập thăng chức thiếu tướng Lê Văn Tỵ lên trung tướng.
Vị trung tướng bị dồn vào thế phải hợp tác với Hội đồng Cách mạng đưa ra
một thông cáo tuyên bố "Các lực lượng Cách mạng dân chủ và quân đội
cương quyết ủng hộ và trung thành với chính phủ Ngô Đình Diệm". Về
phần Bình Xuyên, để đối phó lại họ Ngô, Bảy Viễn cũng ráo riết chuẩn bị.
Nhưng thật sự quân đội Bình Xuyên sống bằng gá bạc, chứa gái, buôn lậu,
cậy thế hống hách bất nạt dân lành, làm tiền những thương gia giàu có, thâu
thuế những hộp đêm, khách sạn, tiệm nhảy, đầu cơ lúa gạo, cá thịt, thuốc
phiện, cầm đầu chuyên chở xe đò, cho nên khi thủ lãnh Bình Xuyên lên
tiếng kêu gọi dân chúng, đòi phong toả Sài Gòn - Chợ Lớn, chống lại chính
quyền họ Ngô, không có một hưởng ứng nhỏ nào. Người ta xem cuộc xung
đột như là việc riêng của đôi bên tranh giành quyền lợi với nhau, một phe
tiếm vị cướp quyền và một phe cướp bóc thất thế.
Bảy Viễn trước khi rút lui về Rừng Sác, tuyên bố với Raymond Cartier, đặc
phái viên tạp chí Paris Match:
- Tôi rút quân về chiến khu cũ chỉnh đốn lại binh sĩ để trường kỳ kháng
chiến, tiếp tục đánh Diệm ít lắm… cũng mười năm.
Danh từ "kháng chiến trường kỳ" thốt ra ở cửa miệng thủ lãnh Bình Xuyên
đã không có một tiếng vang, hay gây được một tin tưởng nào ngay trong
đám tham mưu theo Bảy Viễn chạy về Rừng Sác, cũng như đám tàn quân
bại tẩu vứt súng bỏ đi.
Bốn hôm, sau buổi trưa nổ súng, quân họ Ngô đã hoàn toàn làm chủ tình
thế ở đô thành, chiếm đóng trọn vùng Bình Xuyên, từ cầu chữ Y vùng Hiệp
An.