Bản năng tự vệ, giành giựt lại sự sống còn của bản thân gia đình, của họ
hàng, của làng xóm, đã thúc đẩy người dân quê hiền lành, nhẫn nhục qua
bao nhiêu đời sau luỹ tre xanh, ào ạt theo nhau, lớp lớp lao mình, xả thân
theo tiếng gọi quật cường của Việt Minh.
Phái bộ quân sự Pháp ở Côn Minh thuộc phe De Gaulle có hậu thuẫn của
mấy ngàn quân theo tướng Alexandrie vượt qua biên giới Bắc Việt sau hôm
Nhật đảo chính, và một đơn vị hải quân dưới quyền đại uý Commentri, ẩn ở
vùng đảo Hạ Long, đang hoạt động quấy rối trong vùng vịnh Bắc Việt từ
đầu năm 1945, đặt dưới sự chỉ huy phối hợp của đại tá Sainteny, một nhân
vật nổi tiếng của kháng chiến Pháp, từ chính quốc sang. Sainteny đã hiểu
biết Đông Dương trong ba năm trước chiến tranh, khi trở lại xứ này với
nhiệm vụ cầm đầu lực lượng Pháp tự do, tập hợp lại tất cả những đơn vị
Pháp rải rác ở vùng biên giới Bắc Việt, từ Miến Điện đến vịnh Hạ Long.
Sau khi gởi người tiếp xúc với Việt Minh tháng 7-1945, Sainteny nhân
danh đại diện của Chính phủ lâm thời Cộng hoà Pháp quốc hẹn ngày đích
thân đáp xuống vùng giải phóng ở Việt Bắc để thương thuyết với Việt
Minh, sau khi nhận được một bản thông báo của mặt trận này quy định về
tương lai Đông Dương.
Trong khi ấy, quân du kích Việt Minh đã từ rừng núi thượng du kéo về hoạt
động ở trung du, vào các làng mạc. Chính quyền địa phương đã gần như tan
rã, và quân đội Nhật chỉ còn chiếm giữ thành phố và những trục giao thông.
Ngay tại các thành phố, không khí chính trị cũng đã bắt đầu đổi hướng,
trước sự thất bại không tránh khỏi của Nhật Bản, và uy thế mạnh mẽ của
Việt Minh. Một số Tổng trưởng của nội các Trần Trọng Kim đã bí mật tiếp
xúc với mặt trận Việt Minh, vị Khâm sai Bắc Việt âm thầm che chở cho
hoạt động của Việt Minh tại Hà Nội.