Đến Yokohama, Shigemitsu, Umezu và chín người nữa thuộc phái đoàn
Nhật bước ra khỏi xe, đứng lặng chờ lúc xuống tầu.
Tầu đó là do Hoa Kỳ dành cho họ. Cho đến đêm trước đây Đô đốc
Nakamura mới phát hiện ra rằng: Nhật không còn có một chiếc tàu nào có
thể chạy được ở vùng này. Sự lo lắng của ông được giải quyết bằng chiếc
Lansdowne của Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có ba khu trục hạm khác hạ neo ở
bến để chở báo chí, và đại diện phe Đồng Minh.
Phái đoàn Nhật xuống chiếc Lansdowne vào lúc 7 giờ 30 sáng để tiến về
phía chiếc Missouri đậu cách bờ biển 16 dậm. Trên mặt biển họ có dịp nhìn
tận mắt sức mạnh của hải quân Hoa Kỳ từ khắp nơi trên Thái Bình Dương
về tập trung tại Vịnh Đông Kinh.
Sự chú ý dồn cả về phía chiếc soái hạm của Đô đốc Hoa Kỳ Halsey.
Việc chọn chiếc Missouri làm nơi đầu hàng có người gốc từ Hoa Thịnh
Đốn. Tuy Bộ trưởng Hải quân Forrestal muốn Đô đốc Nimitz được tổ chức
lễ đầu hàng, nhưng Tướng Mac Arthur với tư cách Tư lệnh Tối cao Đồng
minh đã dành lấy sự lựa chọn này, và ông đã chỉ định Đô đốc Halsey. Sau
đó Forrestal yêu cầu Bộ Ngoại giao chấp thuận tổ chức lễ đầu hàng trên một
chiến hạm, trong trường hợp này là chiến hạm Missouri, tên tiểu bang của
Tổng thống Truman.
Đô đốc Halsey tham dự cuộc chiến Thái Bình Dương từ những ngày đầu
tiên. Hải lực của ông đã đem phóng pháo cơ đến Midway ngay trước khi
xẩy ra vụ Trân Châu Cảng. Trong những ngày đen tối, ông là người nguy
hiểm nhất cho địch, và là người giữ vững tinh thần cho cả lính hải quân và
không quân. Với tác phong bình dân ông được toàn thể binh sĩ dưới quyền
kính mến. Đô đốc Halsey không phải là chiến lược gia, nhưng về chiến
thuật quả ông số một. Ở nhiều khía cạnh người ta có thể gọi ông là một
Patton ở Thái Bình Dương. Binh sĩ rất thích ông còn vì ông căm thù quân
Nhật đến tột độ.