Những gì sẽ trình bày sau đây, thực ra cũng không có chi là tân kỳ cả...
nhưng đều là những vấn đề thiết yếu mà bất cứ một nhà văn chân chính nào
cũng không thể bỏ qua không nghĩ đến được trong khi thừa hành sứ mạng
của mình. Rất có thể các bạn sẽ không đồng ý với tác giả, - điều không mấy
quan trọng, - nhưng chắc chắn, đó là những vấn đề mà các bạn sẽ không thể
không lưu ý được đề tìm cho mình một đường lối hợp lý đối với mình. Nói
thế là vì tác giả tin rằng không có ai giúp ai được, bởi một lẽ rất giản dị là
không ai giống ai cả, từ tinh thần đến thể chất, và như vậy, không có thể lấy
ai dùng “làm mẫu” cho ai được cả.
Để chấm dứt, tác giả xin mượn lời của một văn sĩ nọ để thưa với các bạn:
(...) “Đây cũng chỉ là những điều mà từ trước đến giờ người ta đã nói đi
nói lại có cả trăm nghìn lần rồi, nhưng lại là những điều mà thỉnh thoảng
ta cần phải lặp đi lặp lại mãi mà không bao giờ có thể gọi rằng thừa...”
Tập sách nhỏ này, khi viết ra, tôi đã nghĩ dến việc bổ túc một phần nào
quyển Tôi Tự Học mà tôi thấy còn nhiều thiếu sót... Tập làm văn là một
phương pháp tự học hết sức cụ thể và nhiều hiệu quả nhất vì nó bắt buộc
mình phải lo học mãi mà không thôi, và tự bắt buộc phải phô diễn ra bằng
lời nói những gì mình đang thầm nghĩ trong tâm tư. Đó là một trong những
cách tự học. “Cái gì mình biết thì biết là mình biết; còn những gì không biết
thì cũng biết rõ là không biết”. Không nói hay viết ra được một cách rõ
ràng là mình chưa thật hiểu, chưa thật biết. Bởi vậy, mỗi khi nói hoặc viết
ra là một phương pháp để kiểm soát lại và nhận thức rõ hơn những hiểu biết
của mình về một vấn đề nào.
Còn một đề nghị nữa: Các bạn không nên quan tâm lắm đến những gì tôi
trình bày, vì đó là những ý kiến riêng tư của một cá nhân, xin hãy chú ý đến
những gì tôi đã khêu gợi được ở các bạn mà thôi. Được thế thì việc làm
hôm nay sẽ không nỗi uổng.
Thu Giang