Phần một
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT ĐỂ CÓ THỂ THÀNH NHÀ VĂN...
I.
“Bất cứ người nào cũng đều có thể làm nhà văn được cả, miễn họ có gì
muốn nói lắm. Viết ra, không phải là việc khó; cái khó là phải có những câu
chuyện gì đáng kể để kể, những tư tưởng gì đáng ghi để ghi.
Thật vậy, người ta bảo “Có bột mới gột nên hồ”, có những gì mình muốn
nói lắm thì mới có thể nói ra được một cách dễ dàng và tự nhiên.
Nhất là những điều gì mình nói hay viết ra, mình phải tin tưởng một cách
chân thành. André Gide, trong nhật ký của ông, có viết: “Việc khó nhất khi
bắt đầu viết văn là phải hết sức thành thực với mình”. Vì lo sợ chưa được
thành thực mà có cả mấy tháng trời ông không dám viết lách gì cả!
“Không có nghệ thuật nói, cũng không có nghệ thuật viết (...) sự thành
công về tài hùng biện hay về văn chương chỉ có một nguyên nhân này thôi,
là thành thực với mình một cách hoàn toàn.”
“Thành giả, thánh nhi dĩ hĩ.”
II.
Ham viết văn, bất cứ loại văn nào, phần nhiều là do một mối bất mãn
hoặc ngang trái gì. Có nhà văn tin rằng: “Trong các nhà văn tài hoa nhất,
phần nhiều là những người hay đau yếu bệnh hoạn (như Edgar Poe, Marcel
Proust, Gustave Flaubert, Tchékov) hoặc là những người mà đời sống sớm
bị dở dang trắc trở. Dickens, Balzac, Hugo, Kipling, Stendhal đều là những
đứa trẻ bạc phúc, thiếu tình yêu gia đình... Nhiều khi cuộc tranh đấu vất vả
không còn ở phạm vi cá nhân hay gia đình nữa mà lại thuộc về phạm vi xã
hội hay tín ngưỡng (như trường hợp của Voltaire, Anatole France, Tolstoi).
Dĩ nhiên, không phải chỉ cần là người không thích ứng với đời sống chung