- Giường nằm, ngày ăn ba bữa - ngần ấy thứ mà chỉ có một ngàn bốn trăm
tám mươi yên mỗi ngày! Ngay đến một khách sạn rẻ tiền như vậy bây giờ
cũng không tìm đâu ra.
- Bà nhớ đến từng yên kia à? - Bà Ritsukô kinh ngạc.
- Chứ sao! - Bà Hirayama đáp, không khỏi có phần đanh đá. - Ở bệnh viện
của chúng tôi không phải như bên ông bà - người thì ít, thành thử tôi phải
ngồi ở phòng tiếp bệnh nhân, lại phải đóng gói thuốc thang, tính các khỏan
tiền, và cả theo dõi bệnh nhân nữa. Công việc thật là lút đầu lút cổ.
- Thì tôi cũng phải làm đủ các việc ấy! - Bà Ritsukô chen vào.
- Làm sao có thể bì với bệnh viện của ông bà. Bao nhiêu giường nhỉ? Bảy
chục phải không?...
- Nhưng ông Hirayama ạ, bệnh viện lớn tuyệt nhiên không có nghĩa là
doanh thu lớn. - ông Yutarô vừa mồi thuốc lá vừa nói. - Ông không biết chứ
đôi khi tôi thấy một bệnh viện có năm người làm việc có lời hơn nhiều.
Còn cơ nghiệp càng lớn lên thì chi phí cũng càng cao: thêm một khỏan
lương là thêm bao nhiêu chi phí... Ở các xí nghiệp khác, đầu tư càng nhiều,
lợi nhuận càng lớn. Còn chúng ta thì ngược lại...
- Phải, trên nguyên tắc, - ông Hirayama góp chuyện, - hễ xí nghiệp mở
rộng, lợi nhuận ắt phải tăng, nhưng trong nghề thuốc rõ ràng là không phải
đơn giản như vậy.
- Thế thì sao? Một bệnh viện nhỏ như của chúng tôi là trường hợp tối ưu
sao? - Bà Hirayama hình như có phần yên tâm.
- Ấy, điều này thì chẳng phải ý tôi.
- Cái khổ là ở chổ người ta thường không thích nằm các bệnh viện nhỏ:
ngay cả một bệnh viêm ruột thừa thông thường người ta cũng thích nằm
bệnh viện lớn hơn, - bà Hirayama lại than phiền. - Vừa rồi có một anh hàng
thịt đến chỗ chúng tôi: cửa hiệu anh ta cũng ở gần đấy. Bác sĩ Hirayama
khám cho anh ta rồi nói: "Phải làm phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa". Anh ta ưng
thuận. Chúng tôi chuẩn bị cho anh ta một chỗ trong phòng bệnh, dọn cho
anh ta một cái giường chăn đệm mới tinh. Chúng tôi chờ đợi. Thế rồi ông
bà có biết sao không? Anh ta không đến. Chúng tôi gọi điện đến nhà hỏi
xem cơ sự ra sá. Thế thì ông bà có thể tưởng tượng được không, anh ta trả