Nghe xong, Naôê gỡ cái ống nghe trên cổ, gắp hai ống cao su lại và bỏ vào
túi. Nôrikô sửa lại băng cho cụ Isikura và bắt đầu cài khuy áo pyjama.
- Cụ nghỉ nhé, - Naôê chào cụ già.
Isikura đáp lễ bằng một cái gật đầu khe khẽ, mà cũng chẳng buồn hỏi: "Thế
nào ạ, thưa bác sĩ, hiện tôi đã sắp khỏi chưa?" Cũng như Naôê, ông cụ biết
rằng cái chết đã vào đến ngưỡng cửa. Nhưng, cũng như Naôê, ông cụ vẫn
im lặng. Ông ta hiểu rằn chỉ cần hỏi: tại sao? như thế nào? - thì lập tức một
nỗi sợ hãi nhầy nhụa sẽ tràn tới, và sợi chỉ mong manh của niềm hy vọng
cuối cùng sẽ đứt.
"Biết đâu, may ra..." Trong hai tiếng "may ra" mơ hồ ấy, người bệnh tim
thấy ý nghĩa của những ngày cuối cùng mà sự sống còn leo lét, còn người
thầy thuốc thì tìm thấy ở đó phương thuốc cứu vãn duy nhất.
Có một lần Naôê không đi làm việc. Đến trưa ông ta gọi điện vào bệnh viện
báo tin là mình đang ốm.
- Chắc hôm qua lại quá chén chứ gì!
- Không phải đâu, chẳng qua sáng ngay ngủ quên, dậy trễ quá đâm lười
không muốn đi làm nữa thì đúng hơn.
Hôm ấy người ta bàn tán rất nhiều. Ở bệnh viện họ đã quên với cái thói đến
muộn của Naôê, nhưng nghĩ việc hẳn thì đây là lần đầu.
Lòng Nôrikô bồn chồn lo lắng. Đã mấy lần cô nhấc ống máy lên để gọi
điện cho Naôê, nhưng mỗi lần như vậy, không hiểu tại sao, cô lại e ngại
không dám.
Thời gian gần đây cô hầu như không nói chuyện với Naôê, tuy hai người
làm việc sát cạnh nhau. Lúc nào cũng có một người nào đó lởn vởn gần
bên, làm cho họ không nói được. Nhưng ngay trong những phút hiếm hoi
mà trong phòng chỉ có hai người với nhau thì Naôê cũng lặng thinh như đã
mất hẳn khả năng ngôn từ.
Nôrikô kiên nhẫn chờ Naôê mời mình đến nhà, nhưng chỉ thỉnh thỏang, đến
cuối giờ làm việc ông mới hỏi : "Hôm nay em làm gì?" - Và chỉ cần nghe
thấy thế thôi, là Nôrikô vội vàng bỏ hết để chạy đến với Naôê.
Có một lần Nôrikô thử nói chuyện với ông: tại sao ông lại không mời cô từ
trước? - Nhưng Naôê chỉ cau mày, và mọi sự đều lại y nguyên như cũ.