của nó với bè bạn. Ngay cả những bài khảo cứu, nó cũng không viết nổi
bằng thứ tiếng Nhật lịch sự.»
Thật ra Oki không thích hỏi ý kiến con, hay để con giảng cho mình điều gì.
Ông thích hỏi vợ hơn. Nhưng dù là người Tokyo, vợ ông nhiều khi cũng
không có câu trả lời dứt khoát cho ông. Sáng nay, ông lại than phiền ngôn
ngữ ngày nay suy đồi:
«Ngày xưa học giả biết chữ Hán, văn xuôi của họ chuẩn và chững chạc.»
Fumiko cãi:
«Nhưng nói thường, ai lại kiểu cách như vậy. Những từ mới xuất hiện mỗi
ngày như chuột con. Không biết chúng ăn gì mà ngộ nghĩnh như vậy. Chữ
nghĩa thay đổi liền liền, đến chóng mặt.»
«Nghĩa là những chữ mới này chết yểu. Và ngay cả khi chúng sống sót,
chúng mang tính thời gian_như tác phẩm tiểu thuyết vậy. Hiếm hoi có cuốn
truyện sống quá năm năm.»
Fumiko bưng mâm điểm tâm vào.
«Chữ nghĩa mà sống sót qua đêm là quý rồi. Ngay cả em, cũng may mà em
còn sống năm này qua năm khác được đến bây giờ, kể từ ngày anh muốn
chết theo cô nhân tình bé con của anh.»
Oki nói:
«Thật đáng tiếc là sự nghiệp làm vợ không có chuyện về hưu, em nhỉ.»
«Nhưng vẫn có ly dị. Em có hồi tò mò không biết ly dị nó ra làm sao, dù
chỉ một ngày.»
«Bây giờ cũng chưa chậm đâu.»
«Bây giờ thì em không muốn ly dị nữa. Anh biết câu phương ngôn là nắm
lấy tóc cơ hội để làm gì, khi cơ hội đã trọc đầu.»
«Tóc em chưa rụng, mà cũng chưa bạc.»
«Tóc anh bạc rồi.»
«Đó là cái giá anh trả để khỏi ly dị. Để em khỏi ghen.»
«Anh làm em nổi nóng đó nghe.»
Vừa chí chóe, hai vợ chồng già vừa ăn sáng với nhau. Nhưng hôm nay
Fumiko vui tính, không muốn bới thêm chuyện cũ. Mưa đã thưa hạt dù trời
vẫn còn kín mây. Oki hỏi vợ: