người đàn ông ba mươi mốt là «cậu bé». Vậy mà đã hơn hai mươi năm rồi.
Ông đã năm mươi lăm, còn Otoko chắc phải bốn mươi.
Tắm xong, ông mở chiếc đài có sẵn trong phòng, được tin sáng nay Kyoto
có chút băng đóng. Đài cũng cho hay: mùa đông năm nay vào dịp cuối
cũng không lạnh lắm.
Ông điểm tâm bằng cà phê và bánh mì nướng rồi thuê xe ra đi. Không dứt
khoát đến thăm Otoko, lại cũng không biết làm gì, ông bèn lên núi Arashi
ngoạn cảnh. Từ xe, ông thấy mấy rặng đồi phía bắc và phía tây đã lác đác
nắng, nhưng vẫn như còn toát ra cái lạnh của mùa đông Kyoto. Mới sáng
mà tưởng ngày sắp tàn. Ngang cầu Togetsu, ông xuống xe. Ông không qua
cầu mà theo bờ sông bước về phía lâm viên Kameyama.
Núi Arashi từ xuân đến thu thường đầy du khách, vậy mà vào dịp cuối năm
xem ra cũng vắng vẻ. Quả núi già đứng lặng, câm nín. Dưới chân núi, sông
rộng ra thành một cái hồ màu lục trong vắt. Xa xa vẳng lại tiếng gỗ súc từ
đám bè ven sông được bốc lên xe tải. Cảnh triền núi chạy thoai thoải xuống
sông nổi tiếng đẹp giờ đây còn chìm trong bóng tối, trừ một dải nắng vắt
ngang vai núi trên phía thượng nguồn.
Oki định ở lại ăn trưa một mình. Ngày xưa ông đã biết hai quán ăn tại vùng
này. Một quán không xa cầu lắm nhưng cổng đóng kín. Chắc lúc năm cùng
tháng tận, chẳng ai còn buồn tới đây để ngắm ngọn núi cô đơn. Ông nhẩn
nha tản bộ dọc sông, thắc mắc không biết quán ăn phía thượng nguồn có
đóng cửa nốt không. Ông nghĩ cùng lắm về phố ăn trưa cũng không sao.
Ông leo mấy bậc thềm đá lên tiệm. Cô người làm chận ông lại, cho hay
nhân viên đã về Kyoto hết, và tiệm đóng cửa. Ông nhớ một hôm đã lâu
giữa mùa măng, ông đã ăn những khoanh măng lớn nấu với cá thu muối tại
đây.
Ông trở lại bờ sông, chợt thấy bà già đang quét lá phong khô trên những
bực thềm thoai thoải dẫn lên quán ăn bên cạnh. Bà cho biết quán vẫn còn
mở.
Ông nói:
«Ở đây yên tĩnh quá.»
Bà bảo: