ngoài hành lang thật là quá đáng. Sau cùng ông ra khỏi giường.
Tiếng ngoại quốc vọng lại làm ông càng cảm thấy lẻ loi. Hình ảnh chiếc
ghế quay trên toa trở lại trong đầu, và ông nghe nỗi cô đơn đang lặng lẽ
quay trong tim.
Ông đi Kyoto để nghe chuông chùa cuối năm và để tìm gặp lại Ueno
Otoko, nhưng ông tự hỏi chuyện nào là chính. Nghe chuông thì nhất định là
sẽ được toại ý, nhưng gặp lại Ueno thì ông không chắc. Phải chăng nghe
chuông chỉ là cái cớ, còn trong lòng, ông đã muốn gặp lại Ueno từ lâu.
Được nghe chuông giao thừa với nàng ở Kyoto không hẳn là vô vọng,
nhưng hai người đã bao nhiêu năm cách biệt. Xa nhau đã lâu mà còn ở vậy,
nàng vẫn có thể không muốn gặp lại cố nhân. Ông tự trấn an là nàng không
đến nỗi tệ bạc thế, nhưng thật tình ông không biết nàng đã thay đổi bao
nhiêu.
Hình như Otoko đã thuê ngôi nhà khách của một tu viện cũ, và sống ở đấy
với cô học trò. Ông thấy ảnh nàng trong một tập san hội họa. Nơi nàng ở
không phải là một căn phố một hai phòng, mà là một biệt thự. Xưởng vẽ
rộng, trang trí kiểu Nhật. Vườn rất đẹp.
Ảnh chụp nàng tay cầm cọ, mặt cúi xuống, nhưng vầng trán và sống mũi
người đàn bà không lẫn được với ai. Bao nhiêu năm qua, nàng không mập
ra, dáng người vẫn mảnh mai thanh tú.
Ngắm tấm hình, ông nghe ân hận trong lòng. Ông đã cướp đi hạnh phúc lứa
đôi và khả năng làm mẹ của nàng. Tất nhiên là độc giả tờ nguyệt san khi
ngắm ảnh không suy nghĩ và phản ứng như ông. Người ngoài cuộc chắc chỉ
thấy chân dung một nữ nghệ nhân đã tới Kyoto sinh sống và trở thành một
nhan sắc diễm kiều của cố đô.
Tới Kyoto chiều 29, ông phân vân không biết nên gọi điện thoại trước, hay
thẳng đến thăm nàng. Sáng sau thức giấc khá sớm vì đám trẻ phòng bên
huyên náo, ông vẫn còn ngần ngại. Ngồi trước bàn giấy, ông tính gửi cho
nàng lá thư hỏa tốc. Nhìn tờ giấy trắng lạnh khách sạn để sẵn cho khách
dùng, ông lại đổi ý. Ông nghĩ thật ra không cần phải gặp lại Otoko, và nghe
chuông giao thừa xong ông sẽ lên tầu về nhà. Ông lên giường ngủ lại, khi
thức giấc thì đã gần mười một giờ trưa.