thường của đời sống vợ chồng mà không mô tả kỹ càng sự ghen tuông dữ
dội của vợ, có làm cho tác phẩm kém hay. Nhưng có lẽ cũng vì vậy mà
truyện dễ đọc và nhân vật nữ hoàn toàn dễ thương.
Ngay cả bây giờ, đã hai mươi năm rồi, người ta vẫn kể «Cô Gái Mười Sáu»
là tác phẩm hay nhất của ông. Oki với tư cách nhà văn, không thích được
khen như vậy. Nhưng khó mà thay đổi sự thưởng lãm của quần chúng, một
khi thưởng lãm ấy lại được các nhà bỉnh bút danh tiếng yểm trợ. Chính tác
giả có phản đối cũng không hiệu nghiệm gì. Tác phẩm tự nó có đời sống
riêng, không còn ràng buộc gì với kẻ sinh thành ra nó.
Nhưng còn đời sống của cô gái nhỏ Otoko về sau ra sao, ông thỉnh thoảng
tự hỏi. Ông chỉ biết cô đã theo mẹ về Kyoto. Oki còn thắc mắc về đời sống
riêng tư của cô gái người mẫu phải chăng chỉ vì đời sống của tác phẩm đã
bền bỉ trên văn đàn.
Chỉ mấy năm gần đây, Otoko thành họa sĩ nổi danh, ông mới có tin tức của
nàng. Thủa chưa tìm lại được, Oki có lúc nghĩ Otoko rồi cũng lấy chồng
như thường tình, để lại đổi ý cho rằng chuyện đó khó xảy ra với một người
như nàng. Và ông ghi nhận khi không muốn nàng lấy chồng, ông vẫn còn
nhiều lưu luyến trong tim.
Ông ngạc nhiên nhiều khi hay tin Otoko đã trở thành họa sĩ. Ông không rõ
nàng phải khuất phục những thử thách hay buồn phiền nào để đến được địa
vị bây giờ, nhưng ông mừng khôn xiết khi biết nàng đã thành công. Một
hôm thấy tranh nàng trong phòng triển lãm, tim ông thót lên trong ngực.
Cuộc triển lãm chung cho nhiều họa sĩ, và nàng chỉ góp một tấm tranh lụa
độc nhất vẽ hoa mẫu đơn. Nơi phần trên tấm lụa, bông hoa đỏ vẽ trực diện
lớn hơn hoa thật rất nhiều. Vài chiếc lá hiếm hoi, và một nụ trắng điểm trên
nhánh non phía dưới.
Oki nhận ra nét đài các của Otoko trong bông hoa chủ tâm phóng đại. Ông
mua ngay tấm tranh nhưng không đem về nhà, vì họa phẩm mang dấu triện
và chữ ký của nàng. Ông đem tranh đi tặng hội nhà văn. Treo cao trên
tường, bức tranh tạo ra một ấn tượng khác với khi treo tại phòng triển lãm
đông người. Bông hoa mẫu đơn đỏ quá khổ trông như một thực thể siêu
hình, và cô đơn như tỏa ra từ nội tâm sâu kín của hoa. Cũng vào thời này,