Một nguồn sinh lực kỳ lạ như vận chuyển bên trong, và bông hoa như đang
lắc lư. Có lẽ tại cái nền tranh mà mới đầu ông tưởng là những tảng nước đá,
nhưng nhìn kỹ hóa ra một dẫy núi tuyết. Phải là núi mới tạo được ấn tượng
mênh mông như vậy. Tất nhiên là núi thật ngoài thiên nhiên không sắc
cạnh, không rách, không thắt cổ bồng đến thế. Tất cả là cách nhìn trừu
tượng riêng của Keiko. Cái nền tranh tưởng là núi hay nước đá này có thể
là cảnh trí nội tâm của chính cô gái.
Dù ông có cho là một dãy băng sơn trùng điệp, ý niệm lạnh của tuyết phối
hợp với cái ấm của những màu Keiko dùng để vẽ tuyết, tạo ra một thứ âm
nhạc riêng. Keiko không vẽ tuyết bằng màu trắng đơn thuần mà bằng
những màu khác nhau hợp lại như một hòa tấu, tương phản với hai màu
trắng đỏ trên bông mận dị kỳ. Ông có thể cho tấm tranh là nóng hay lạnh
nhưng phải ghi nhận bông mận bừng bừng cảm xúc và ăm ắp cái trẻ, cái
sức sống của họa sĩ. Có lẽ Keiko chủ tâm vẽ bức tranh để tặng ông, như
đồng vọng với mùa xuân xung quanh. Tác phẩm thật ra chỉ bán trừu tượng,
vì bông mận vẫn còn là bông mận.
Ngắm tranh, Oki nghĩ đến cây mận già trong vườn mình. Ông chấp nhận
giải thích của bác làm vườn là cây mận là một quái dị của thiên nhiên, mà
không buồn tìm cách kiểm chứng kiến thức về thảo mộc của bác. Cây mận
cho hai thứ hoa trắng và đỏ. Không phải là nhờ ghép, vì cùng một cành có
cả hai thứ hoa. Cũng có cành chỉ có một thứ hoa, hoặc trắng hoặc đỏ,
nhưng phần đông những cành nhỏ thì cả hai sắc hoa nở chung. Cành nào nở
hoa nào, thì mỗi năm lại mỗi khác. Oki rất yêu cây mận già và để ý thấy
mấy bữa nay những nhánh non vừa trổ bông.
Thế là Keiko đã tượng trưng cả cây mận kỳ lạ bằng một bông mận độc
nhất. Chắc Otoko đã kể cho cô gái nghe về cây mận này. Otoko chưa bao
giờ đến nhà ông vì lúc ấy đã có Fumiko. Có lẽ Otoko đã biết câu chuyện
qua ông và kể lại cho học trò. Có thể khi kể chuyện cây mận, Otoko cũng
kể luôn mối tình bất hạnh của nàng.
«Của Otoko vẽ phải không?»
Oki giật mình quay lại. Mải ngắm tranh, Oki không biết vợ đứng bên.
Ông nói: