«Em bảo sao?»
«Tranh của Otoko, phải không?» vợ ông hỏi lại.
«Tất nhiên là không. Otoko không vẽ trẻ như thế này. Cái cô bé lúc nãy vẽ
đấy. Em không thấy cô ta ký Keiko sao?»
Giọng Fumiko cứng nhắc:
«Tranh sao mà kỳ dị.»
Oki gắng lấy giọng dịu dàng trả lời:
«Quả là dị kỳ như em nói. Các họa sĩ trẻ bây giờ, ngay trong đám thuộc
trường phái Nhật...»
«Người ta gọi vẽ như thế này là vẽ trừu tượng sao?»
«Có lẽ cũng chưa hẳn...»
«Tấm kia còn kỳ dị hơn. Màu sắc trát bừa lên tranh, em không biết là đám
mây hay con cá,» Fumiko vừa nói vừa ngồi xuống bên chồng.
«Hừm. Anh không nghĩ bức tranh ăn nhằm gì với cá. Mà cũng không phải
là mây đâu.»
«Vậy thì nó là cái gì, anh nhỉ?»
«Em cho nó là cái gì cũng được, thật ra chuyện đó không quan trọng.»
Ông cúi xuống nhìn kỹ hơn.
«Tranh vô đề em à.»
Không một hình tướng nào phát hiện trong tranh, màu sắc lại còn hung bạo
và đa dạng hơn bức Cây Mận. Có lẽ chỉ vì hàng hà những đường ngang mà
Fumiko đoán là con cá hay đám mây. Thoáng nhìn, Oki tưởng như chẳng
thấy gì hòa hợp giữa các màu. Tuy nhiên một ý niệm đam mê kỳ dị như ứa
ra từ tranh. Chi tiết nào cũng có dụng ý. Không đặt tên cho tranh cũng là
chủ tâm dành cho người ngắm toàn quyền suy diễn. Vậy mà cảm xúc tưởng
như giấu kín của họa sĩ lại hiện ra lộ liễu. Oki đang cố gắng tìm ra cho
được cái tâm của bức tranh thì Fumiko hỏi:
«Cô gái này là thế nào với Otoko?»
«Một cô học trò ở chung với cô giáo.»
«Vậy sao? Em muốn xé, muốn đốt mấy cái tranh này.»
«Em đừng nói nhảm! Mà sao lại hung dữ thế?»
«Cô ta đã bỏ cả tâm huyết vào hai bức tranh này để tả Otoko! Tranh này