tự ngắm mình, tranh cô ta phản ánh cái sắc đẹp của cô ta...»
«Không, em cho là hai bức tranh phản ánh Otoko...»
«Như vậy thì cô gái này và Otoko yêu nhau hay sao?»
Fumiko sững sờ hỏi lại:
«Hai người đồng tính luyến ái? Anh nghĩ họ đồng tính luyến ái sao?»
«Anh không biết nữa, nhưng nếu có chuyện đó thì anh cũng không ngạc
nhiên. Họ chung nhà với nhau, và cả hai bản chất đam mê.»
Fumiko tỏ ra rất xúc động vì chuyện hai người đàn bà đồng tính luyến ái.
Lát sau nàng nói:
«Dù sao đi nữa, em nghĩ hai bức tranh biểu lộ tình yêu Otoko vẫn còn nuôi
dưỡng cho anh.»
Nói vậy mà Fumiko giọng đã bớt găng. Oki xấu hổ trong lòng vì đã dùng
đề tài đồng tính luyến ái để đánh trống lảng. Ông nói:
«Có thể cả anh lẫn em đều sai. Chúng ta đều ngắm tranh với thành kiến.»
«Nhưng mà sao lại đi vẽ những tấm tranh oái oăm vô lý như vậy?»
«Thế đấy...»
Ông nghĩ mọi bức tranh dù hiện thực hay không, đều biểu lộ những tư
tưởng thầm kín thâm sâu của tác giả. Nhưng hèn nhát, Oki không muốn
tiếp tục thảo luận với vợ.
Có thể ý nghĩ ban đầu của Fumiko với hai bức tranh lại hóa ra rất đúng. Mà
có lẽ ông cũng đúng khi nghĩ hai người đàn bà đồng tính luyến ái với nhau.
Fumiko ra khỏi phòng sách, Oki ngồi một mình đợi con trai về.
Taichiro làm giảng nghiệm viên tại một đại học tư. Anh dạy văn chương
Nhật. Những ngày không phải giảng bài, anh vào viện đọc sách hay ở nhà
làm khảo cứu. Lúc đầu anh tính nghiên cứu văn học Nhật hiện đại, nghĩa là
từ thời Minh Trị. Vì cha cản, anh bèn nghiên cứu văn học thời Kamakura
và Muromachi. Anh có cái tài hiếm có trong giới chuyên gia văn học Nhật
là thông thạo Anh văn, Pháp văn và Đức văn.
Taichiro là một chàng trai có tài, tính trầm lặng có thể đến chỗ trầm buồn.
Anh khác hẳn với cô em Kumiko. Cô bé láu lỉnh, lụp chụp, chỉ thạo những
chuyện phù phiếm như thời trang, ngọc ngà, quần áo, hay cắm hoa. Cô cho
anh là người kỳ quặc. Ngay cả những khi cô rủ đi trượt băng hay đánh quần