qua đó lần đầu. Hoặc giả hôm ấy nàng đã buồn từ khi còn ở Tokyo, và tình
cờ nỗi buồn lên đến thượng đỉnh vừa khi tầu ngang qua đồn điền.
Keiko không biết liên hệ của đồn điền với cuộc tình đau khổ của cô giáo.
Đồi chè mùa xuân bây giờ lá non xanh tươi, tự nó nhất định không có nỗi
buồn năm xưa khi Otoko qua qua đấy lần đầu. Tuy đã đọc truyện của Oki
và nghe Otoko kể về ông những đêm nằm nói chuyện với cô giáo tới
khuya, Keiko không ngờ được cố sự u sầu ẩn trong những phác họa đồi chè
của cô giáo.
Otoko thích dáng tròn trịa mềm mại của các bụi chè, nhưng càng phác họa
thì tranh càng xa cảnh thực. Otoko thấy sự việc ngộ nghĩnh. Keiko hỏi, «Cô
sẽ dùng chỉ một màu lục để vẽ tranh này phải không?» Otoko trả lời,
«Đúng. Đồi chè mùa hái lá có cả một quang phổ từ lục nhạt đến lục đậm.»
Keiko nói, «Còn em, em đang lưỡng lự không biết dùng màu đỏ, hay tím,
hay màu gì khác. Em không cần ai nhận ra là em vẽ đồi chè.» Phác họa của
Keiko đặt bên phác họa của Otoko trong xưởng vẽ.
Otoko mỉm cười:
«Trà ngon, nhưng em pha bình khác đi...»
«Em pha đắng cô không uống nổi sao?»
«Đúng là trà trừu tượng.»
Tiếng cười trẻ trung của Keiko từ phòng bên vọng sang. Otoko nói tiếp,
giọng cứng hơn một chút:
«Chuyến đi Tokyo vừa rồi, em có ghé Kamakura phải không?»
«Dạ phải.»
«Tại sao?»
«Hôm Tết, ông Oki có tỏ ý muốn xem tranh của em.»
Rồi cũng cứng giọng lại, Keiko nói:
«Cô, em muốn trả thù cho cô.»
«Trả thù? Trả thù cho cô?»
«Đúng vậy cô.»
«Keiko, em lại đây. Lại uống cái trà trừu tượng của em, để cô nói chuyện
này cho ra nhẽ.»
Keiko lẳng lặng tới quỳ bên Otoko, gối chạm vào gối cô giáo. Cô gái nâng