«Nhưng nếu em muốn cô vẽ em khỏa thân thì không được đâu. Đàn bà vẽ
khỏa thân đàn bà thường khó coi. Ít nhất là với kiểu vẽ truyền thống của
cô.»
Keiko úp mở:
«Nếu vậy em sẽ tự vẽ, và em sẽ vẽ luôn cô vào trong tranh.»
Otoko vặn lại:
«Em vẽ tranh kiểu gì vậy?»
Keiko cười bí mật:
«Cô đừng lo. Tranh em trừu tượng. Ai có thấy cũng không hiểu gì đâu.»
«Cô không lo điều ấy,» Otoko nhắp chút trà nóng, khẽ nói.
Trà mới pha là trà đầu mùa, quà biếu của một đồn điền vùng Uji nơi nàng
đã đến vẽ nhiều lần. Otoko không vẽ mấy cô hái trà mà chú ý đến cảnh gió
gợn sóng trong đám lá chè xanh. Otoko đã trở lại nhiều lần để phác họa
cảnh này trong những ánh sáng khác nhau. Keiko luôn đi theo cô giáo. Có
hôm Keiko đã hỏi nàng, «Cô vẽ tranh trừu tượng phải không cô?» Và nàng
trả lời, «Em mới là hay vẽ trừu tượng. Tuy nhiên cô kể ra hơi bạo, đi dùng
toàn một màu lục. Nhưng cô muốn thử hài hòa màu nhạt của lá non với
màu đậm của lá già, cũng như với cái mềm mại của gió đang dậy sóng
trong đám lá chè.»
Otoko đã vẽ thử một tấm từ những phác họa của mình. Không phải chỉ vì
thích cảnh lá chè xanh gợn sóng mà Otoko vẽ đồn điền Uji. Chuyến theo
mẹ trốn về Kyoto sau khi đoạn giao với Oki cũng như mấy lần về thăm lại
Tokyo sau này, nàng đã nhiều lần thấy những đồi chè Shizuoka từ cửa sổ
toa tầu. Có hôm buổi trưa, có hôm xế chiều. Hồi ấy nàng còn là một nữ
sinh, và không có ý niệm gì về nghề họa. Đáng ghi nhớ là lần đầu khi nàng
ngang qua đồi chè, thì cái sầu chia ly bỗng thấm vào lòng.
Nghĩ lại nàng không hiểu tại sao những đồi chè xanh tầm thường lại có thể
tạo ra ấn tượng mạnh như vậy, thay vì những cảnh đáng ghi nhận hơn như
núi, hồ, sông, biển... Ngay cả thời ấy, những đồi chè đã không có cái đẹp
thiên nhiên hoang dã, và những bụi chè trồng theo hàng lối trông như một
bày cừu màu lục. Có lẽ cái buồn của màu lục cũng như cái buồn của bóng
tối trên những rặng đồi xung quanh đã gợi lên cái đau chia ly hôm xưa nàng