cô là hạng đàn bà mưu mô loại đó. Ông lại nghĩ dù sao, cô gái có thể là một
mẫu nhân vật ly kỳ thú vị. Tuy nhiên ông sợ một cuộc tình kết thúc bằng
chia lìa rất có thể đưa cô gái vào nhà thương điên, như trường hợp Otoko.
Ông chợt nhớ hồi đầu xuân, khi Keiko mang hai bức tranh tới, Taichiro đã
tiếp cô gái, lại đưa cô ta ra tận biển Kamakura. Cô gái chắc đã chinh phục
con trai ông. Liên hệ với Keiko sẽ nguy hiểm cho Taichiro. Ông tự nhủ ông
nghĩ vậy chỉ vì lo cho con, và không hề có ý ghen tuông.
Keiko nói:
«Bức tranh đồi chè này, em mong ông treo trong phòng làm việc của chính
ông nhé.»
Ông ậm ừ. Cô nói tiếp:
«Em mong ông nhìn tranh em một lần ban đêm, dưới ánh đèn mờ. Bấy giờ
màu xanh của đồi chè sẽ hòa vào màu nền, và tất cả những màu sặc sỡ của
em sẽ nổi bật lên và trôi ra ngoài tranh...»
«Ta nghĩ xem tranh xong, chắc ta sẽ có những giấc mộng kỳ dị lắm.»
«Em tò mò, không biết ông sẽ mơ thấy gì nhỉ?»
«Ồ. Chắc là những giấc mơ trẻ. Khẳng định là vậy.»
«Ông tử tế với em quá. Ông thật nghĩ như vậy ấy ư?»
«Em trẻ, chuyện ấy tất nhiên thôi.»
Ông nói tiếp:
«Những làn sóng chè mềm mại là ảnh hưởng của Otoko, còn màu sắc thì là
của em.»
«Ông treo tranh em một ngày là đủ, sau đó ông cho nó nằm hứng bụi trong
ngăn tủ, em cũng không buồn. Bức tranh không đúng ý em. Một ngày nào
đấy em sẽ tới cắt vụn nó ra thành giẻ rách.»
«Em nói cái gì?»
Dáng điệu bỗng dễ thương hiền thục, cô gái nói:
«Em nói thật đấy. Bức tranh này xấu xí, nhưng nếu ông treo trong phòng
đọc sách của ông một ngày là em mãn nguyện...»
Ông không biết nói gì. Keiko yên lặng cúi đầu. Rồi nàng trở lại chuyện
mộng mị:
«Em tò mò không biết bức tranh đem lại cho ông giấc mơ gì?»