Lời kết cho những lời kết
CŨNG NHƯ BÉ BỰ HALTER, tôi bị hấp dẫn bởi những lời trăng trối.
Với tôi, điều này bắt đầu khi tôi mười hai tuổi. Khi đọc một cuốn sách lịch
sử, tôi bắt gặp lời trăng trối của Tổng Thống John Adams: “Thomas
Jefferson vẫn còn sống.” (Nhưng bất ngờ thay, ông ấy đã chết. Jefferson qua
đời cùng ngày nhưng sớm hơn, ngày 4 tháng 7, 1826; lời trăng trối của
Jefferson là “Hôm nay là ngày Bốn?”)
Tôi không biết vì sao mình vẫn còn hứng thú với những lời trăng trối hoặc
tại sao tôi chưa bao giờ ngừng tìm kiếm chúng. Đúng là tôi rất thích lời
trăng trối của John Adam hồi mười hai tuổi. Nhưng tôi cũng rất thích cô bé
tên Whitney này. Phần lớn tình yêu không kéo dài mãi mãi. (Nhất là
Whitney. Tôi thậm chí còn không thể nhớ nổi họ của cô ấy.) Nhưng vài
trường hợp thì có.
Một điều khác mà tôi không biết chính là liệu tất cả những lời trăng trối
được trích dẫn trong cuốn sách này có chính xác hay không, về cơ bản,
những lời trăng trối rất khó để xác nhận. Nhân chứng lúc nào cũng xúc
động, thời điểm bị gộp lại, và bản thân người nói đã không còn để giải thích
mọi tranh cãi. Tôi đã cố viết cho chính xác, nhưng thật chẳng bất ngờ mấy
khi vẫn còn tranh cãi vây quanh hai trích dẫn trung tâm trong Đi tìm Alaska.
SIMÓN BOLÍVAR
“Làm sao ta thoát khỏi mê hồn trận này đây!”
Trong thực tế, “Làm sao ta thoát khỏi mê hồn trận này đây!” không hẳn là
lời trăng trối của Simón Bolívar (dù đúng là ông ấy, về mặt lịch sử, đã nói
câu đó.) Lời trăng trối của ông ấy có thể là “José! Đem hành lí tới đây. Họ
không muốn chúng ta ở lại.” Nguồn tin chủ yếu của “Làm sao ta thoát khỏi
mê hồn trận này đây!” cũng là nguồn tin của Alaska, cuốn sách Tướng quân
giữa Mề Hồn Trận của Gabriel García Márquez.