“Trời đất, sao lúc nào anh cũng sợ thế! Giờ có phải lúc bọn nó đi chích
đâu! Với cả mùa mưa còn chưa thực sự bắt đầu mà!
- Thế thì sao nào? Cái gì trên cánh tay anh đây?
- May thế chứ! Anh sẽ chẳng bao giờ bắt được con nào đẹp hơn con
muỗi vằn albopictus này đâu. Đây này, nhìn những cái chân sọc đen trắng
của nó này! Và mình nó nữa, cũng như vậy! Tôi chẳng thích người ta gọi nó
là muỗi ‘hổ’. Gọi thế thì nó lại bị ghét.
- Nhưng cũng chẳng nói được là bọn hổ muốn tốt cho chúng ta!
- Chúng sống cuộc đời chúng, ta sống cuộc đời ta. Chúng chỉ muốn có
thức ăn và đẻ con. Thế thôi.
- Có thể. Nhưng ngay lúc này nó đang truyền bệnh viêm não cho anh
đấy!
- Tôi tin tưởng vắc xin. Érik, tôi xin phép được khuyên anh một điều
nhé? Nếu anh cứ mãi không thay đổi cách nhìn, anh sẽ chẳng bao giờ hiểu
được thiên nhiên đâu!”
Nhìn nét mặt có vẻ sốc của tôi, Didier giải thích thêm ý của mình.
“Thay vì là mình, anh hãy thử tưởng tượng mình là muỗi xem. Thay
đổi góc nhìn thôi mà!”
Tôi hứa là sẽ cố.
Đoạn chuyện trò sau đấy giữa Julien và Didier, tôi sẽ mãi tiếc là không
kịp ghi âm lại. Một áng thơ ngợi ca lũ heo. So với chúng, con người chẳng
là gì cả! Không thể giúp đám virus ký sinh phát triển đầy đủ. Bằng chứng
của sự vô dụng đó? Khi muỗi chích một người bị nhiễm virus, nó không thể
hút được đủ virus để truyền cho đối tượng “bị chích” sau đó. Vâng, con
người, với bệnh viêm não Nhật Bản, có thể coi là một ngõ cụt dịch tễ học.
Nếu chỉ trông mong vào con người, thì bệnh dịch nào rồi cũng tự chấm
dứt.
Tôi còn mạn phép nhận xét rằng sự bất lực của giống loài chúng ta ít ra
cũng là một tin tốt…