âm thanh đó, chúng kiếm tìm nó và say sưa không kém; chúng cũng có niềm vui thú con người
với những thứ khí giới kia; ở những cuộc đấu thương, chúng rượt đuổi, chúng tỏa sáng, chúng
rực rỡ; nhưng dũng mãnh bao nhiêu thì dễ bảo bấy nhiêu, chúng không để cho ngọn lửa trong
mình bùng cháy, chúng biết kiềm chế chuyển động của mình […]; đó là một tạo vật lãng quên
chính mình để tồn tại theo ý muốn của một kẻ khác…”
Buổi sáng tháng Ba đó, tôi đến thăm Gilles Bœuf vĩ đại, để nghiên cứu
về “các bệnh do trung gian truyền bệnh”.
“À, lại những con côn trùng!”
Một vài số liệu ông cung cấp đã giúp tôi xác lập được chủ đề nghiên
cứu.
“Nếu loại trừ vi khuẩn và virus, Trái đất của chúng ta là nơi trú ngụ của
sáu trăm hai mươi nghìn loài nấm, ba trăm năm mươi nghìn loài cây và tám
triệu loài động vật. Trong số đó, động vật có xương sống, tức là bao gồm
loài người chúng ta, chỉ có… tám nghìn loài.”
“Vì tuyệt đại đa số là các loài động vật chân đốt, tức là những sinh vật
có khớp chân và vỏ để bù đắp cho cột sống bị thiếu. Trong tuyệt đại đa số đó
có các loài giáp xác (như loài tôm hùm đắt đỏ), động vật nhiều chân (như
con cuốn chiếu hay con ngàn chân… hiếm khi có quá trăm chân), lớp nhện
(như các loài nhện) và… côn trùng.”
Đến lúc này, nhịp kể của Gilles Bœuf đã chậm lại. Trong mắt ông, vẻ
trang nghiêm đã thay thế cho vẻ láu lỉnh thường thấy. Chúng tôi chuyển
sang ngưỡng mộ. Tôi cứ ngỡ rằng người bạn cực kỳ uyên bác của tôi sẽ bảo
tôi đứng lên và ngả mũ thán phục, mặc dù trên cái đầu hói của tôi đang
chẳng đội cái mũ nào.
“Cậu có hình dung được không? Chúng ta đã thống kê được hơn ba
triệu loài côn trùng! Và mỗi năm, lại phát hiện ra hơn mười nghìn loài mới!
Đến bao giờ thì ta mới dừng lại đây? Năm, hay sáu triệu? Đây nhé, ví dụ
đây, ví dụ ở mình luôn nhé, ở nước mình các loài sinh sôi chậm hơn nhiều so
với ở vùng nhiệt đới. Tại rừng Massane, phía Đông dãy Pyrenees. Trên ba