xuống các công trình xây từ thời thuộc địa, thấp lè tè, xung quanh xếp đầy
những chiếc container để mở: còn cách nào tiết kiệm hơn để cơi nới khi
không có nhiều tiền?
Từ khi có ý định hướng sang tìm hiểu về virus lây truyền qua động vật
chân đốt, tôi thường nghe nhắc tới một nhân vật, một nhà nghiên cứu sáng
chói trong lĩnh vực này: bác sĩ Narcis Kabatereine, giáo sư (danh hiệu được
nhắc tới nhiều nhất) của trường Imperial College London. Một người đàn
ông nhỏ bé hay cười, sơ mi xám in hình cây cỏ, quần màu xanh biếc và đi
dép tông. Không chần chừ, ông đưa cho tôi một cuốn sách nhỏ bìa đen có
dập nổi hình quốc huy (một tấm khiên, xung quanh là hình một con cò quăm
và một con linh dương: “vì Đức Chúa Trời và vì đất nước”). Nhan đề cuốn
sách được in bằng chữ mạ vàng không hẳn gây sợ hãi: Neglected Tropical
Diseases (“Những căn bệnh nhiệt đới bị bỏ quên”). “Sách phổ biến kiến
thức”. Tuy nhiên, điều chờ đợi tôi khi mở sách ra mới là điều tồi tệ nhất.
Những bức ảnh đáng sợ chụp những người mắc những căn bệnh kinh khủng:
bệnh chân voi, bệnh mù do giun chỉ Onchocerca (hay bệnh mù sông), bệnh
sán máng, bệnh mắt hột, bệnh ngủ, bệnh Leishmania, dịch hạch (hẳn rồi!),
bệnh loét Buruli, bệnh dại. Những cái bụng to phình, những vết loét, những
cái chân biến dạng, những khuôn mặt hốc hác, những tinh hoàn khổng lồ
quái dị… Quả là một bảo tàng kinh dị!
Bác sĩ Kabatereine thích thú trước nét mặt nhăn nhó của tôi.
“Tôi nói với anh một điều nhé: bọn muỗi không gây ra tất cả những
điều đó! Nhưng vì ở đây người ta sẽ chỉ nói với anh về sốt rét, cho nên,
trước hết, tôi nghĩ là phải dạy anh về những điều còn lại của cuộc sống!”
Dứt lời, ông dẫn tôi vào một phòng họp, cả buổi sáng, cùng với ê kíp
của mình, ông giải thích cho tôi về cuộc chiến chống lại những căn bệnh
quái ác kia. Với mỗi căn bệnh, ông lại cho tôi xem hai bản đồ, của năm 2010
và năm 2016. Màu đỏ là những vùng có tỷ lệ nhiễm rất cao; màu vàng là
những nơi có trường hợp cá biệt bị nhiễm; màu xanh là những vùng không
nhiễm.